Bạo lực gia đình, vì đâu nên nỗi?

Thứ Năm, 05/03/2020, 20:26 [GMT+7]
In bài này
.

Cách đây một tuần, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một cụ bà 88 tuổi ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang bị con dâu và con trai chửi mắng, dùng tay và roi đánh đập liên tục vào người. Rất nhiều người đã phẫn nộ, đòi trừng trị thích đáng hành vi bạo hành, ngược đãi mẹ già của vợ chồng người con.

Chưa bao giờ bạo lực gia đình lại bộc phát dữ dội như thời gian gần đây. Vấn nạn này tồn tại dưới nhiều hình thức bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục. Biểu hiện thì muôn hình vạn trạng: Cha mẹ đánh đập con cái, vợ chồng nhục mạ nhau; Chồng cuồng sát vợ. Vợ tước đoạt mạng sống của chồng. Con cái bạo hành - thậm chí giết cha mẹ, ông bà… Mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày, nghi ngờ, mất lòng tin, ghen tuông… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành, thậm chí xuống tay đoạt mạng ông bà, cha mẹ, anh em, vợ hoặc chồng.

Vì sao trong gia đình rộ lên những vụ bạo hành, những vụ án mạng mà mức độ lạnh lùng, vô nhân tính ngày càng tăng như vậy? Đây quả là một câu hỏi rất cần lời giải đáp trong bối cảnh xã hội thiếu các chuẩn mực đạo đức để kềm chế các hành vi phi xã hội từ bên trong.

Khi chấp nhận hòa mình vào nền kinh tế thị trường, chúng ta đồng thời cũng phải chấp nhận luôn cái tinh thần duy lợi, duy thực dụng - cơ sở và nền tảng căn bản của nền kinh tế ấy. Chính cái tinh thần ấy là một loại axit mạnh, hủy hoại giềng mối gia đình vốn được xây dựng trên các chuẩn mực và đạo đức truyền thống dân tộc. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta phải đóng cửa và trở về thời kỳ “bế quan tỏa cảng” với thế giới, vì hội nhập và toàn cầu hóa đang là xu hướng tất yếu và ngày càng được mở rộng.

Mâu thuẫn gia đình dẫn đến những hiện tượng bạo hành vô nhân tính trong khi kháng thể của từng cá nhân thành viên trong cuộc chiến chống cái xấu, cái ác đang yếu dần đi, đòi hỏi cần được mổ xẻ, phân tích một cách rốt ráo để tìm ra nguyên nhân sâu xa. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hiện tượng phi chuẩn mà các nhà xã hội học gọi là hiện tượng tha hóa. Nhiều thành viên gia đình mỗi lúc một xem nhẹ và rời xa các các giá trị đạo đức truyền thống, chạy theo những cám dỗ vật chất, coi đồng tiền là trên hết. Không thiếu những vụ án mạng vô nhân tính là hệ quả của vấn nạn này. Chỉ vì mâu thuẫn về đất đai, người anh trai đã thảm sát cả gia đình em ruột của mình; Để có tiền chơi game, hút xách, không ít nghịch tử đã đoạt mạng bà nội của mình.

Tâm cảnh chao đảo trong cơn bão duy vật chất chính vì chưa có một hệ thống giá trị chuẩn mực chung, cũng như nền tảng pháp luật để các cá nhân soi rọi, điều chỉnh, tự phán xét về các hành vi của chính mình. Việc định hướng cho xây dựng một hệ thống giá trị chuẩn như vậy chính là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu của các thiết chế giáo dục hiện nay. Theo đó, các thành viên trong gia đình phải có nghĩa vụ quan tâm, yêu thương chia sẻ về tâm lý, tình cảm, công việc, từ đó tạo nên những giá trị hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần.

Gia đình là môi trường giáo dục đầu đời của mỗi cá nhân. Một người trưởng thành không thể thiếu sự giáo dục của gia đình. Nền tảng của việc xây dựng chuẩn mực văn hóa, đạo đức gia đình chính là tình yêu thương. Bên cạnh giáo dục gia đình, cá nhân cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ giáo dục nhà trường. Một chuyên gia đã rất đúng khi cho rằng đã đến lúc quan tâm vun bồi, gìn giữ giềng mối gia đình, chú trọng hơn nữa việc dạy trẻ về đạo hiếu và tình cảm trân trọng mái ấm gia đình.

Có ý kiến cho rằng chỉ cần có những chế tài nghiêm khắc, những hình phạt nặng nề hơn thì có thể ngăn chặn được tội ác nói chung và bạo lực gia đình nói riêng. Đành rằng vậy nhưng nếu chỉ “khoanh” hành vi phạm tội vào bản thân tội phạm mà không xét đến các mối liên quan gia đình, môi trường xã hội thì cũng chưa giải quyết được vấn đề. Việc coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư, là chuyện trong nhà “đóng cửa bảo nhau”, xã hội không nên can thiệp cũng là một quan điểm sai trái, cần phải được phê phán. Với nhận thức sai trái đó, người ta sẽ sẵn sàng thờ ơ, vô cảm trước cảnh con cái ngược đãi cha mẹ, chồng đánh đập vợ dã man mỗi ngày và như vậy xã hội, cộng đồng và cả cơ quan pháp luật khó có thể giải quyết được vấn nạn bạo lực gia đình.

HẢI LĂNG

 
;
.