Tử tế là một sự lựa chọn

Thứ Bảy, 29/02/2020, 16:08 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tuần, vị sư trụ trì của một ngôi chùa nhỏ nằm cheo leo ở triền núi, cạnh con đường vắng người qua lại tổ chức một bữa cơm chay từ thiện. Tháng nào cũng vậy, vị sư trụ trì đều cố gắng duy trì 2 bữa cơm chay đều vào dịp cuối tuần, thời điểm nhiều người rảnh rỗi nhất, có thể lên núi phụ giúp. Ngay từ tờ mờ sớm, sư và các phật tử, những người thiện tâm, trong đó có cả những cô, cậu bé mới chỉ ở tuổi trăng tròn cũng tham gia nhóm lò, đi chợ, lụi cụi nấu nướng để chuẩn bị những suất ăn tươm tất vào bữa trưa cho người nghèo khó. 

Ngôi chùa nhỏ, đơn sơ, nhưng tấm lòng của vị sư trụ trì thì không hề nhỏ. Sư từng kể về hoàn cảnh của mình, không phải lỡ bước mà đi tu, cũng không phải làm việc thiện để tìm phước báu. Sư nói, đi tu là một căn duyên và làm việc thiện là một lựa chọn. Vì sự tử tế ấy, vào mỗi mùa hè, mỗi cuối tuần, nhiều người đã nhờ cậy sư dạy dỗ, chỉ bảo cho những đứa trẻ, để từng ngày rèn giũa cốt cách, giữ gìn phẩm hạnh với mong cầu khi lớn lên sẽ trở thành người có đạo đức, luôn biết chọn lựa sự tử tế. 

Vâng, tử tế được coi là một sự lựa chọn. Để giữ được sự tử tế buộc con người ta phải luôn lựa chọn và có quyết định đúng đắn, có đạo đức ở mỗi việc, mỗi ngày trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế. Sự tử tế đôi khi chỉ là một cái nhìn ấm áp, không kỳ thị dành cho ai đó, đôi khi chỉ là vài đồng bạc lẻ, không so đo tính toán khi mua mớ rau, con cá của người nông dân một nắng hai sương… Tử tế cũng có thể là một ứng xử phù hợp, tiễn ai đó ra tận cổng, đứng lại vài ba giây chờ người đó khuất bóng. Tử tế có lúc quan trọng, to tát hơn, đó là không a dua theo cái xấu, không ủng hộ cái xấu nhỏ để tạo thành cái xấu lớn, là sự lựa chọn quyết đoán về một chủ trương có lợi cho tập thể. 

Trong suốt hơn 1 tháng qua, khi dịch COVID-19 bùng phát, lựa chọn sự tử tế được thể hiện rõ hơn ở mỗi cá nhân, ngay cả với ứng xử khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Cộng đồng đã lên án gay gắt những hành vi trục lợi từ dịch bệnh. Trong đó có việc tăng giá, găm hàng khẩu trang, tung tin thất thiệt để câu view, câu like trên mạng xã hội, thậm chí là sản xuất, kinh doanh dung dịch sát khuẩn, khẩu trang giả… Những hành vi ấy được coi là về đạo đức, trục lợi trong sự đau khổ, lo âu của người khác về dịch bệnh. Tất nhiên, những hành vi ấy bị xử lý bởi pháp luật, nhưng còn có một sự xử lý khác đó là sự khinh khi, dè bỉu của xã hội dành cho họ, khi hành vi trục lợi bị phơi bày. Những cá nhân ấy tất nhiên đều có quyền chọn lựa để quyết định có nên hành xử như vậy hay không, và họ đã chọn sự xấu xa, mất đạo đức thay vì sự tử tế. 

Cũng trong đợt dịch COVID-19 đang diễn ra, rất nhiều cá nhân, trong đó có cả những doanh nhân đã tự bỏ tiền túi, thậm chí là chịu thiệt hại cho chính mình để tìm mọi cách góp sức chống dịch. Có người gom góp tiền mua khẩu trang, nước sát khuẩn để cấp phát miễn phí. Có những y, bác sĩ chấp nhận cách ly trong môi trường đầy nguy cơ để cứu chữa cho bệnh nhân. Họ đã lựa chọn sự thiệt thòi về phần mình, nhưng là lựa chọn sự tử tế. 

Một câu chuyện khác, chỉ vì cho vay nợ 3 triệu đồng và không đòi được mà dì ruột nỡ lòng dùng xăng tẩm lên người và đốt cháu trai mới 5 tuổi ngay trước mặt chị gái hòng ép anh rể trả nợ. Hậu quả là cả hai mẹ con cùng bị bỏng nặng, phải nhập viện điều trị. Cháu bé được tiên lượng phải mất cả năm trời may ra mới hồi phục với những di chứng đến suốt đời. 

Trong câu chuyện này, người dì vô lương tâm đã có thể lựa chọn hành vi khác. Hậu quả của sự lựa chọn sai ấy là phải chịu sự xử lý của pháp luật, bị lên án bởi cộng đồng, chính người thân cũng không thể tha thứ và có lẽ ngay chính lương tâm của người dì ấy cũng không thể tha thứ cho sự lựa chọn thiếu đạo đức đó, một lựa chọn được gọi là “độc ác”, nằm ở phía bên kia của “tử tế”. 

Chúng ta, ai cũng có thể lựa chọn sự tử tế. Đó đơn giản là không làm việc thất đức, chia sẻ lẫn nhau và chỉ lan truyền những điều tử tế, lạc quan đã là một đóng góp cho xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn. 

 Tử tế là sự lựa chọn. Bạn cần dũng cảm lựa chọn nó trong mọi hoàn cảnh, cho dù đôi khi có thể sự lựa chọn ấy làm phương hại đến chính bạn. 

TRUNG HIẾU

;
.