Cơ hội về một thị trường mới cho nông sản

Thứ Hai, 17/02/2020, 21:39 [GMT+7]
In bài này
.

Việc Nghị viện châu Âu (EP) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có ý nghĩa quan trọng, giúp mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lan rộng, khiến các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hoa quả bị ùn ứ tại các cửa khẩu.

Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là rau quả. Năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,74 tỷ USD, trong đó, 65% là xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, dịch bệnh COVID-19 lan rộng, Trung Quốc đã tạm đóng cửa biên giới nên hoạt động xuất khẩu sang thị trường này phải tạm dừng, dẫn đến tình trạng nông sản ùn ứ. Thực tế cho thấy việc ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã khiến người sản xuất, DN xuất khẩu “điêu đứng”. Trước đó, nông sản Việt Nam cũng đã nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua, điều đó cho thấy DN Việt Nam quá phụ thuộc vào một thị trường, khiến nông sản Việt rơi vào thế bị động.

Trong bối cảnh đó, việc EP thông qua EVFTA ngày 12/2 vừa qua có ý nghĩa quan trọng, giúp mở ra những cơ hội lớn về mở rộng thị trường cho xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung, trong đó có xuất khẩu rau quả. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Khi EVFTA được thực thi, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau một lộ trình ngắn, đây là cơ hội để DN đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường trên 500 triệu dân này. Đặc biệt, EU là một thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Người dân EU có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại quả mọng, bơ, dưa hấu, khoai lang. Đây là cơ hội cho các sản phẩm như bơ, dưa hấu, khoai lang của Việt Nam thâm nhập vào thị trường rộng lớn này.

Mặc dù cơ hội là rất lớn, nhưng để các sản phẩm rau quả của Việt Nam được nhập khẩu vào EU là việc không hề đơn giản bởi đây là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), EU đã quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, DN phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU. Các sản phẩm có chứa các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc có hàm lượng cao hơn mức cho phép sẽ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường này. DN Việt Nam phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu, không chỉ vấn đề an toàn thực phẩm mà còn các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội, vấn đề lao động, bình đẳng giới… cùng với đó là những thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại... Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định EVFTA cũng như các FTA mà Việt Nam đã ký kết, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, các DN Việt Nam, đặc biệt là DNVVN cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU. Còn theo Bộ NN-PTNT, các DN rau quả Việt cần chú trọng cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Ngoài ra để phát triển bền vững trong hội nhập, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thành công chuỗi giá trị cho sản phẩm nông sản.

MINH DUYÊN

;
.