Kiểm soát giá thịt heo

Chủ Nhật, 15/12/2019, 20:10 [GMT+7]
In bài này
.

Chị Giang, chủ cửa hàng bán giò lụa và các loại chả làm từ thịt heo vừa thông báo đến khách hàng thông tin khá “sốc”: Giá bán 1 cây giò lụa có trọng lượng 1kg đã chính thức cán mốc 200 ngàn đồng! Như vậy, so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá bán đã tăng 80 ngàn đồng/kg. Quán bún chả Hà Nội mà chúng tôi thường ăn sáng hôm nay cũng đã tăng thêm 5 ngàn đồng/suất với lý do thịt heo - nguồn nguyên liệu cho món ăn yêu thích này tăng mạnh. Đó là chưa kể, chủ tiệm bánh mì, tiệm xôi, bún mọc… đều đồng loạt tăng giá bán bởi lý do hết sức hợp lý bởi giá heo tăng!

Như vậy, bất chấp các giải pháp kiểm soát của cơ quan chức năng, giá heo trong những tuần qua vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Thông tin từ các thương lái ngày 15/12 cho thấy, heo được mua tại trang trại đã chạm mốc 85 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá bán lẻ tại các chợ cũng đã “lập đỉnh” đến mức 200 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục từ trước tới nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc giá heo liên tiếp tăng cao khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng, đặc biệt là trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang tới gần.

Mặc dù theo Bộ NN-PTNT, do nguồn cung khan hiếm bởi dịch tả heo châu Phi hoành hành trong thời gian qua. Tuy nhiên nguyên nhân này khiến nhiều người băn khoăn, bởi lẽ trên thị trường, chưa xảy ra tình trạng thiếu thịt heo! Cũng không xảy ra việc người tiêu dùng không mua được thịt heo do thiếu hàng. Nhận định từ các chợ đầu mối cho thấy, nguồn cung cấp heo vẫn bình thường, nhưng do giá tăng quá cao nên sức tiêu thụ giảm, tiểu thương và thương lái chủ động điều chỉnh giảm lượng heo bán ra do “ế hàng”. Chị Mừng, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Chí Linh cho biết, trước đây mỗi ngày chị vẫn nhập về khoảng 50kg thì nay giảm còn 40kg để giảm ế, chứ nguồn cung từ lò mổ vẫn dồi dào. Còn về phía người tiêu dùng, trước tình trạng giá heo tăng cao đã “cơ cấu” lại nguồn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, đó là giảm lượng thịt heo, tăng thịt gà, bò, thủy sản và các loại rau xanh.

Vậy thì, hàng loạt câu hỏi đặt ra là, liệu giá heo tăng có phải là do thiếu nguồn cung như dự báo? Có hay không việc một số trường hợp lợi dụng dịch bệnh và nguồn cung heo khan hiếm để đẩy giá lên cao hơn so với mặt bằng chung? Vậy các bộ, ngành đánh giá về nguồn cung thịt heo từ nay đến cuối năm thế nào, nguồn trong nước có thiếu không, thiếu bao nhiêu và liệu có đảm bảo đủ thịt cho dịp Tết? Rõ ràng người tiêu dùng có lý do để lo lắng bởi cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Những giải pháp bình ổn thị trường đến nay vẫn chưa có hiệu quả.

Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, việc tăng cường kiểm soát cũng như đẩy mạnh các giải pháp đưa giá heo đi vào thực chất, không bị thổi giá của các cơ quan chức năng là hết sức quan trọng, đặc biệt khi Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 1 tháng nữa. Về lâu dài, cần có các giải pháp phục hồi phát triển chăn nuôi heo với quy mô hợp lý. Bên cạnh đó, ngoài việc tái đàn ở những vùng đã sạch dịch, những nơi đã thiết lập được quy trình khép kín, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch thì cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với mặt hàng thịt heo. Trong công tác quản lý, điều hành, kiểm soát thị trường, cần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng thổi giá; khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp với nguồn cung trong nước…

NGÔ GIA

 

;
.