Không "nghịch dại" trên mạng xã hội

Thứ Tư, 25/12/2019, 19:43 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là từ dùng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một cuộc đối thoại tại diễn đàn mở của Hội LHTN Việt Nam TP. Hà Nội. Phó Thủ tướng nêu rõ: Nghịch dại là cách nói đối với người trẻ, rất trẻ. Cái chính là người trẻ phải nhận thức sự nguy hại khi thông tin sai lệch, không đúng sự thật trên các trang Facebook cá nhân. 

Cuối năm, xuân về Tết đến, đoàn thanh niên, hội sinh viên các nơi tổ chức nhiều hoạt động Đoàn sôi nổi, sinh động, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, trong đó có tuổi trẻ Trường Đại học BR-VT, tuổi trẻ nhiều trường THPT trong tỉnh. Đó là các phong trào tuổi trẻ tình nguyện lập quỹ khuyến học, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, hiếu học; Tuổi trẻ góp phần chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, làm sạch đẹp nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết, sum họp gia đình. Các phong trào nghĩa tình, nhân rộng “hành vi tử tế” được lan tỏa trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông.

Tuy vậy, đây đó vẫn có những người trẻ mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gọi là hiện tượng “nghịch dại” trên mạng xã hội, gây không ít phiền toái, rất cần được cảnh báo và phòng chống. Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh một tỉnh miền Trung đã thốt lên khi nói về sự “nghịch dại”, “điếc không sợ súng” trên mạng xã hội: “Biết rồi khổ lắm, nói mãi, nói hoài mà sao vẫn có những người trẻ không nhận ra?”. 

Nơi này nơi kia vẫn xuất hiện tình trạng bịa đặt, dựng chuyện, đặt điều xuyên tạc để câu view trên mạng xã hội, bị cơ quan quản lý nhắc nhở, xử lý, kể cả bị phạt tiền. Mới đây, ngày 22/12, Facebook có tên Nguyễn Tuấn livestream post lên mạng cảnh xe tải chở dưa hấu bị lật trên quốc lộ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Chung quanh là hình ảnh người dân gom dưa cho vào bao tải. Nguyễn Tuấn livestream quay clip và thuyết minh: “Họ mang dưa về nhà ăn đấy, người ta hôi của, biết sao được?”. Mạng xã hội phẫn nộ về hành vi hôi của và cho rằng: “Người bị hoạn nạn còn bị hại thêm, sao người ta ác vậy?”. Và ngày hôm sau, hình ảnh kèm lời thuyết minh phản cảm ấy đã được tài khoản Nguyễn Tuấn livestream xóa ngay. Bởi đó là nội dung xuyên tạc sự thật và anh ta bị cư dân mạng lật tẩy trò câu view và bị phẫn nộ lên án. Nguyễn Tuấn livestream đã đưa ra lời xin lỗi rằng: “Sự việc không phải như tôi nghĩ. Tôi không có ý cho bà con hôi của. Xin lỗi bà con rất nhiều”. Sự thật vụ việc: Xe tải chở dưa hấu bị lật, gần nửa số dưa hấu bị bể, dập nát. Bà con hai bên đường hò nhau ra cứu, gom hàng lại cho bác tài, làm bác tài vô cùng cảm động. Loại không hư, bà con xếp lại gọn gàng cứu nhà xe được đồng nào hay đồng ấy; loại bị hư hỏng, bác tài cho bà con mang về, kèm lời cảm ơn bà con đã nhiệt tình giúp đỡ khi hoạn nạn. 

Trước đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện các nhóm người bôi mặt đen đi ăn xin, mỗi nơi một cách. Họ bôi mặt đen thui cho ghê rợn rồi cầm đĩa đi ăn xin, gây hoang mang dư luận, làm bất an tinh thần xã hội. Nhóm người bôi mặt đen ăn xin được xác định xảy ra tại huyện Ba Vì, Hà Nội và vài nơi khác. Họ thú nhận hành vi này chỉ nhằm câu view mạng xã hội, bất chấp sự nguy hại của nó. Ngày 7/12/2019, một nick name ở Kon Tum tạo dáng 2 người mặt đen sì cầm nón đi ăn xin ở các quán cà phê và len lỏi ăn xin dọc đường. Một đồn năm, năm đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế mà lan tỏa cái xấu, sự bịa đặt, xuyên tạc trên các trang mạng. Dư luận hoang mang, trẻ em sợ hãi. Kẻ bịa đặt “mặt đen ăn xin” đã bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý các nhóm người trẻ “nghịch dại” trò đùa cợt, câu view này. 

Những hành vi câu view đó là vi phạm Luật An ninh mạng và các bộ luật liên quan. Cư dân mạng chân chính xin có lời nhắn gửi và mong rằng, mọi người hãy gia tăng những hành vi đẹp, người trẻ càng hăng hái thi đua làm nhiều việc tốt cho xã hội, thật sự có văn hóa, không sa đà vào các trò “nghịch dại” trên mạng xã hội. Các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng càng phải xử lý nghiêm minh, kịp thời hơn nữa. Có như vậy thì trò “nghịch dại”, “điếc không sợ súng” để câu view mới được ngăn chặn, góp phần làm lành mạnh hóa mạng xã hội.

HẢI VÂN

 

;
.