Giải pháp cho nền nông nghiệp

Thứ Hai, 30/12/2019, 20:13 [GMT+7]
In bài này
.

Giải pháp nào để phát huy lợi thế vùng miền, ứng phó với biến đổi khí hậu? Làm gì để người nông dân có nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt, giá thành hạ, thu hút sức tiêu thụ cao trong nước và hướng ra xuất khẩu? Giải pháp nào để 12 triệu hộ nông dân nước ta không còn phải loay hoay với điệp khúc “được mùa, mất giá”, ồ ạt trồng rồi phải chặt bỏ hàng loạt “cây trồng triệu phú”?… là những vấn đề lớn đặt ra đối với ngành nông nghiệp nước ta trong giai đoạn phát triển hiện nay cũng như lâu dài.

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, cả nước hiện có 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất trồng lúa có diện tích 4,1 triệu ha. Trong tổng số 12 triệu hộ sử dụng đất nông nghiệp, số hộ sở hữu dưới 0,2ha chiếm tỷ lệ cao nhất: 36%; số hộ trang trại từ 5ha trở lên chỉ đạt 2%. Trong cơ cấu đất sản xuất nông nghiệp, mặc dù diện tích đất trồng lúa đã có sự tiết giảm đáng kể (trung bình mỗi năm giảm hơn 34.000ha) chủ yếu là do chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây công nghiệp, cây ăn trái, rau màu, nuôi trồng thủy sản và các loại đất phi nông nghiệp. Điều trăn trở nhất đối với phần lớn các hộ nông dân là họ vẫn đang loay hoay trên chính mảnh đất của mình. Trồng lúa, trồng rau màu, trồng cây ăn trái hay chăn nuôi gia cầm, hải sản đều tùy thuộc năng lực của từng hộ gia đình, vốn vay được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, mạnh ai nấy làm chứ không có sự liên kết giữa các hộ với nhau, hay các hộ với doanh nghiệp.

Theo cân đối cung cầu lúa gạo những năm gần đây, dựa trên tính toán nhu cầu tiêu thụ, nhu cầu để làm giống cho vụ sau, nhu cầu cho chế biến và thức ăn chăn nuôi, dự trữ quốc gia về giống và lương thực… hàng năm nước ta vẫn còn dư thừa 7-8 triệu tấn gạo. Trong khi đó, người trồng lúa đại trà cho thu nhập rất thấp, chỉ 70 ngàn đồng mỗi ngày, ngược lại khi chuyển đổi sang mô hình trồng lúa đặc sản, hướng tới xuất khẩu với giá 800-900 USD/ tấn, hoặc chuyển sang trồng cây ăn trái (có địa chỉ xuất xứ) hoặc vật nuôi khác cho lợi nhuận cao hơn thì các hộ sản xuất lại gặp rất nhiều khó khăn (từ thông tin thị trường, tiếp cận vốn đến nhiều cơ chế, chính sách ràng buộc khác). Trước tình hình đó, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái, hay vật nuôi khác cho các hộ dân là điều cần thiết và cần có những giải pháp thích hợp, sát với thực tế ở từng tiểu vùng và theo đúng quy hoạch. Đối thoại với nông dân mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ giảm 500 ngàn ha đất lúa, để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả cao hơn. Đối với trồng trọt, phải phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền. Đối với chăn nuôi, cần chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, hình thành các trang trại và khuyến khích chăn nuôi an toàn, sinh học.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Đồng thời, đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là phát triển nông nghiệp bền vững; thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao. Tăng cường hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản, giúp nông dân kết nối với doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và tháo gỡ những vướng mắc về tín dụng. Phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung thực hiện 3 giải pháp chính là phân định từng tiểu vùng sản xuất tập trung, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

HOÀNG LÊ

;
.