Chân - Thiện - Mỹ trong văn hóa công sở

Thứ Bảy, 14/12/2019, 08:23 [GMT+7]
In bài này
.

Phong trào “Xây dựng cơ quan văn hóa” hiện đang được nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng tổ chức thực hiện và trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội. Theo đó, từng cơ quan, đơn vị đều tiến hành xây dựng những quy chuẩn văn hóa và kịp thời ban hành những quy chế, quy tắc ứng xử, giao tiếp văn minh, lịch sự phù hợp với tính chất công việc của từng cơ quan, đơn vị mình.

Chấp hành nội quy, quy chế làm việc, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức và lối sống, về ứng xử và cách xưng hô trong giao tiếp là một phần của văn hóa công sở. Trong hoạt động công sở, quan hệ ứng xử và môi trường nghiệp vụ, hành chính mang đậm màu sắc văn hóa nhân bản (chân), nhân ái (thiện) và nhân văn (mỹ). Sự kết nối giữa những giá trị truyền thống chân - thiện - mỹ với những giá trị văn hóa công sở hiện đại là để tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, luôn đạt hiệu quả cao. Vận dụng các yếu tố văn hóa trong việc thúc đẩy mọi hoạt động của công sở, như xây dựng quy chế thi đua, khen thưởng công bằng, minh bạch; tạo ra bầu không khí làm việc sôi nổi là nhằm hướng tới mục tiêu tạo động lực thi đua lao động, phát huy tối đa sức sáng tạo và sự cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, sẽ loại bỏ được sức ỳ, sự chán nản trong môi trường làm việc hàng ngày.

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, đơn vị đang ra sức thi đua hướng đến sự chuyên nghiệp trong các lĩnh vực công tác. Nhờ đó, phong cách giao tiếp, ứng xử văn hóa đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, xét ở nhiều lĩnh vực, chúng ta thấy vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện văn hóa công sở. Ở một số nơi, công tác tiếp dân vẫn chưa thành nề nếp, còn mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế làm việc và đôi lúc có lời nói, hành vi ứng xử không chuẩn mực; không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong dư luận và trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, thực hiện văn hóa trong xưng hô ở phần lớn các công sở đang tồn tại nhiều bất hợp lý. Việc xưng hô chú - cháu, bác - con, cô – cháu… tuy là để tỏ ra tôn trọng người lớn tuổi, nhưng làm mất đi sự nghiêm túc và ở một góc độ nào đó đã hạ thấp tâm thế của người nói (cháu, con, em). Thậm chí, việc xưng hô nơi công sở đôi khi còn mang tính chất tùy tiện, theo kiểu xưng hô trong gia đình (anh Sáu, chị Ba…) để giao tiếp trong công việc. Công sở là nơi thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, nên dù già hay trẻ đều là công chức gắn liền với chức vụ, thứ bậc do sự phân công của xã hội. Chính vì vậy, thực hiện văn hóa công sở cũng đòi hỏi phải có lối xưng hô phù hợp với chức vụ, quyền hạn được giao của mỗi người.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là công bộc của dân” và chủ đề hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh BR-VT, vừa qua, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh BR-VT thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025. Theo đó, đối với tập thể thực hiện thi đua “Xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh-sạch-đẹp”; trong đó, các đơn vị cần xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện tốt các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan về văn hóa công sở; tăng cường thực hiện cải cách hành chính... Đối với cán bộ, công chức, viên chức “Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp”, bao gồm: Chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp và ứng xử; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức và lối sống, trang phục gọn gàng, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc…

Thực hiện văn hóa công sở là thực hiện một nề nếp làm việc khoa học, có kỷ cương và dân chủ, đòi hỏi các nhà quản lý cũng như các thành viên trong công sở phải luôn đặt hiệu quả hoạt động của cơ quan trên nền tảng các yếu tố văn hóa đã được ban hành theo các quy định, nội quy và quy chế văn hóa công sở của đơn vị mình.

HOÀNG LÊ

;
.