Quà lưu niệm

Thứ Hai, 07/10/2019, 20:40 [GMT+7]
In bài này
.

“Sáng nay, xem các gian hàng ở đây, tôi có nói là làm sao mỗi người khách du lịch đến Lạng Sơn phải mua một con vịt quay mang về”, đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 của tỉnh Lạng Sơn, ngày 30/9.

Thủ tướng muốn nhắc đến một vùng đất có tiềm năng du lịch, có nhiều món ăn ngon, nếu biết khai thác những lợi thế, tiềm năng đó thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Suy nghĩ của Thủ tướng cũng là nỗi trăn trở chung của ngành du lịch Việt Nam lâu nay: Chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng, đủ sức thu hút và giữ chân du khách lưu lại dài ngày và còn khiến họ phải mua thứ gì đó về làm quà để nhớ đến một vùng đất đầy thú vị mà mình đã được trải nghiệm.

Việt Nam được xem là quốc gia giàu tài nguyên để phát triển du lịch với nhiều thắng cảnh, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên; nền ẩm thực đa dạng, nhiều món ăn ngon; đất nước thanh bình, người dân thân thiện, mến khách… Tuy nhiên, trong một thời gian dài, hoạt động kinh doanh du lịch chủ yếu dựa trên việc khai thác các lợi thế sẵn có. Do đó, sản phẩm du lịch của DN và các địa phương thường na ná nhau, thiếu các khu du lịch phức hợp, quy mô lớn, dịch vụ đa dạng. Bên cạnh đó, các sản phẩm lưu niệm dành cho du khách mua về làm quà còn nghèo nàn, chất lượng kém. Nhiều sản phẩm chỉ có thể dùng một lần, giải quyết nhu cầu tại chỗ rồi bỏ đi bởi chất lượng quá thấp như: áo in chữ và hình ảnh điểm đến, nón che nắng, vòng tay, vòng cổ làm bằng sò ốc mỹ nghệ…

Trong khi đó, với nền ẩm thực đa dạng, phong phú và độc đáo, nhiều món ăn được coi là đặc sản riêng có của các địa phương cũng đã được khách du lịch mua về làm quà. Nhiều sản vật đã được theo chân du khách xuất ngoại. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm kiểu này chưa nhiều. Thậm chí, có những sản phẩm do nổi tiếng, được nhiều khách tìm mua nhưng nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá cả đắt đỏ hoặc bị làm giả, làm nhái, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và khiến du khách phải dè chừng khi mua. Đây là sự lãng phí tài nguyên, bởi thời gian du lịch là khoảng thời gian để du khách được nghỉ dưỡng, thư giãn, thưởng ngoạn phong cảnh và trải nghiệm những nét văn hóa bản địa, trong đó có ẩm thực. Nếu khai thác và đáp ứng tốt được nhu cầu này, nguồn thu mang lại cho ngành du lịch cũng rất đáng kể, không thua kém gì dịch vụ lưu trú.

Trở lại với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Nếu mỗi ngày Lạng Sơn thu hút hàng trăm ngàn du khách thì có biết bao nhiêu vịt quay, heo quay được tiêu thụ. Điều đó yêu cầu phải sản xuất lớn, mang giá trị gia tăng cao”. Gợi ý của Thủ tướng đâu phải chỉ dành riêng cho Lạng Sơn, cho ngành du lịch. Suy rộng ra, đó là gợi ý chung cho tất cả các ngành kinh tế của Việt Nam. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều yếu tố, từ tư duy sản xuất, quy hoạch đến nguồn vốn, công nghệ, tiếp thị và phát triển, mở rộng thị trường. Một con vịt quay hay một món ăn ngon nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ và với công nghệ như hiện nay, du khách sẽ không thể mang đi xa. Nhưng nếu có công nghệ hiện đại, không gì là không thể. Thực tế, một số mặt hàng nông sản chế biến sẵn, có thể ăn liền đã xuất hiện tại các gian hàng quà lưu niệm, hệ thống siêu, được xuất ngoại và được du khách đón nhận là minh chứng. Ngoài ra, nếu xây dựng được thương hiệu, những món ăn ngon, đặc sản của một địa phương vẫn có thể đến được với nhiều người qua hình thức kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là một gợi ý khả thi.

NGUYỄN ĐỨC
;
.