"Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm"

Thứ Hai, 14/10/2019, 18:24 [GMT+7]
In bài này
.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ nhận thấy mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, công tác dân vận với nhiệm vụ cách mạng. Người chỉ rõ: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Với tầm nhìn chiến lược, Người cùng Trung ương Đảng tập trung vun trồng đội ngũ cán bộ cho cách mạng. Người vui mừng trước sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, nhưng chưa hài lòng với nhiều địa phương, đơn vị còn thờ ơ, bàng quan, coi khinh và sắp xếp, bố trí cán bộ dân vận chủ quan, tùy tiện. Trước tình trạng: “Xem khinh công tác dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được thì cũng mặc”, Người phê bình nghiêm khắc: Đó là “khuyết điểm to”, “sai lầm rất to, rất có hại”.

Công tác dân vận vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Để thực hành “dân vận khéo”, cán bộ phải có đủ phẩm chất, năng lực, phong cách tiên phong, gương mẫu. Và theo Người, tiêu chuẩn cán bộ dân vận chỉ gói gọn trong 12 chữ vàng: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đó là lời tuyên ngôn công tác cán bộ và là kim chỉ nam cho hành động đối với đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng.

Cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; đem đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đến với dân; lãnh đạo, vận động thu phục, tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chính sách đó. Để trở thành cán bộ “dân vận khéo”, Người đòi hỏi: Óc phải nghĩ -“Óc nghĩ”, thực chất là yếu tố trí tuệ. Vận động nhân dân mà không có trí tuệ chắc chắn không giải quyết được các mối quan hệ phức tạp của khoa học về con người và nghệ thuật về thuyết phục con người; không thực hiện hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao; không nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân để tham mưu cho Đảng, Chính phủ xây dựng, ban hành chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân. Có trí tuệ là một yêu cầu, nhưng phải luôn “động não”, “vắt óc” nghĩ cách tập hợp, tổ chức, hướng dẫn quần chúng hành động, phân tích tình hình để thấu hiểu người dân đang nghĩ gì, đang cần gì, kịp thời có quyết sách, biện pháp đáp ứng nhu cầu chính đáng của Nhân dân.

Cán bộ dân vận luôn phải “mắt trông”, nghĩa là quan sát, nhìn nhận, thấu hiểu bản chất các sự vật, hiện tượng thực tế; phải có con mắt tinh tường để nhận biết đâu là thật, là giả; đâu là tốt, là xấu; đâu thật thà, đâu là bày binh, bố trận che mắt cấp trên, “làm thì láo, báo cáo thì hay”. Hòa vào cuộc sống của dân không chỉ “mắt trông”, mà còn phải “tai nghe”; biết lắng nghe, tiếp nhận nhiều kênh thông tin, nghe từ nhiều phía. Nghe cán bộ, đảng viên nói; nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân; chọn lọc những lời khen; đủ dũng khí để nghe, tiếp thu những lời chê bai, phê bình, thậm chí chỉ trích gay gắt. Gần gũi dân, biết gợi mở, khích lệ dân nói hết suy nghĩ, bức xúc, mong muốn, kiến nghị, biết phân tích, sàng lọc thông tin để đi đến chân lý. Cán bộ dân vận phải ghi nhớ đúc kết của Người: “Luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”.

Cán bộ dân vận không chỉ ngồi nghe cấp dưới qua điện thoại, ngồi trong “bốn bức tường” đọc báo cáo; không thể “ngồi trong phòng lạnh” nhận định, phán xét, viết chỉ thị, nghị quyết. Phong cách dân vận là “chân đi”, nghĩa là thường xuyên về cơ sở, bám sát thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Sau khi có chủ trương, đi để giải thích cho dân hiểu, động viên, tổ chức nhân dân thi hành; về với dân “thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ”. Phải vi hành cả nơi tốt, chưa tốt, nơi thuận lợi, khó khăn, để thấy bức tranh tổng thể, toàn diện, đầy đủ, phản ánh thực chất và rút ra những vấn đề bức xúc trong thực tiễn cần xử lý.

Người dặn: Cán bộ dân vận “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”, còn phải “miệng nói”. Mỗi cán bộ dân vận phải là một tuyên truyền viên, báo cáo viên mẫu mực. Thông qua hoạt động tuyên truyền miệng: “giải thích cho dân hiểu, cổ động dân”, “bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân”, cùng với dân “kiểm thảo, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Thuận lòng dân thì dân vận mới vào được lòng dân và mới làm yên lòng dân. Cán bộ dân vận phải nêu gương “miệng nói tay làm”, “phải thật thà nhúng tay vào việc” thì mới thu phục, lôi cuốn, đại đoàn kết được toàn dân. Cán bộ dù nói giỏi, nói hay đến đâu mà không biết làm, “nói không đi đôi với làm”, “chỉ tay năm ngón”, “đánh trống bỏ dùi”, thì dân sẽ không nghe, không tin và không theo. Thế là “dân vận kém”, thế là “thất bại”.

“Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, đã hàm chứa đầy đủ yêu cầu, tiêu chuẩn người cán bộ dân vận và đó là cơ sở để thực hành “dân vận khéo”. Đây là cẩm nang, là mục tiêu mỗi cán bộ dân vận phải phấn đấu vươn tới.

 NGUYỄN QUANG PHI

;
.