Thúc đẩy, phát triển "kinh tế ban đêm"

Thứ Ba, 17/09/2019, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Hiếm có đề tài nào lại được dư luận bàn luận, trao đổi sôi nổi như “kinh tế ban đêm”(Night-time economy).

Từ sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách “kinh tế ban đêm” của Trung Quốc để vận dụng, làm theo cách của mình nhằm kích thích tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội và các cuộc trà dư tửu hậu, người ta đã hào hứng thảo luận, chia sẻ về vấn đề phát triển “kinh tế ban đêm” ở nước ta.

Trên phạm vi rộng, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo nhiều DN du lịch thì phân tích, bàn chuyện thúc đẩy “kinh tế ban đêm” của cả nước, những cơ chế, chính sách cần phải có để “khuấy động”, phát triển nền kinh tế quan trọng này. Ở phạm vi hẹp hơn các chuyên gia du lịch và người dân bàn luận và cả “hiến kế” phát triển kinh tế ban đêm ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, Phú Quốc và tất nhiên là có thành phố biển Vũng Tàu.

Hầu như ai cũng đồng tình, phát triển kinh tế ban đêm là hết sức cần thiết. Nó không chỉ giữ khách lâu hơn, xài tiền nhiều hơn mà còn tạo nguồn thu cho người dân địa phương cũng như ngân sách, thu hút doanh nhân đến làm ăn, đầu tư...

Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm. Sản phẩm thu được nhiều tiền nhất là từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng lại không được phát triển nên du khách về đêm không có chỗ tiêu tiền, lang thang về ngủ sớm. Tổng Giám đốc Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ tiếc rẻ!

Tuy có nhiều điểm đến hấp dẫn nhưng TP.Vũng Tàu lại thiếu những khu vui chơi, giải trí riêng biệt, kéo dài thâu đêm nên đa số du khách đều đi ngủ sớm, thời gian lưu lại thành phố cũng không lâu. Số ngày lưu trú bình quân 2,1 ngày của du khách đến với Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ bằng 1/2 của Nha Trang, Đà Nẵng, mức chi tiêu 41 USD/khách cũng chỉ bằng 1/3 của 2 thành phố trên. Nguyên nhân như đã phân tích, địa phương chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc, khách đến không biết mua gì, chơi gì.

Nhiều du khách và người dân cho rằng Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để làm “kinh tế ban đêm”, nếu không thúc đẩy phát triển, “mô hình” này sẽ rất phí. Thành phố đang sở hữu nhiều điểm đến hấp dẫn như Khu ẩm thực đêm Đồ Chiểu, Lê Lai, Trường đua chó Lam Sơn, Chợ đêm Vũng Tàu, Nhà úp ngược, Khu cắm trại rừng dương Paradise, Công viên Bãi Trước, nhiều quán bar, vũ trường v.v… Lại nữa, gần đây TP.Vũng Tàu đã lập quy hoạch chi tiết 1/500 của trục đường Thùy Vân - Bãi Sau. Quy hoạch này phù hợp với quy hoạch chung Vũng Tàu đến năm 2035 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, tới đây TP.Vũng Tàu sẽ có khu dịch vụ du lịch phục vụ du khách và người dân vào ban đêm với chợ đêm, chuỗi siêu bar - pub - club, phố đi bộ ban đêm, các điểm giải trí mua sắm ở đường Thùy Vân, bãi đậu xe ngầm, quảng trường trung tâm. Ở khu vực Bãi Trước còn có tuyến phố đi bộ ban đêm gồm hai đường Trưng Trắc - Trưng Nhị đi thẳng ra khu tam giác Bãi Trước - nơi đang có đường sách Vũng Tàu…

Để “kinh tế ban đêm” trở thành hiện thực (đúng với định nghĩa được nhiều quốc gia chấp nhận đó là một loạt các hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17 giờ chiều cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện…) các đô thị có tiềm năng về “kinh tế ban đêm” còn rất nhiều việc phải làm mà trong đó, quan trọng nhất là xây dựng đề án tổng thể về phát triển “kinh tế ban đêm” lấy các sản phẩm du lịch đêm như phố đi bộ, chợ đêm, đốt lửa trại, thả đèn trời, thả hoa đăng, bar - vũ trường, nghệ thuật âm nhạc... làm điểm nhấn; Ban hành cơ chế khuyến khích thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia, có chính sách phát triển cân bằng giữa lợi ích mà “kinh tế ban đêm” mang lại và những mặt trái có thể xảy xa.

Để kích hoạt, khuấy động “kinh tế ban đêm”, cần tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, lưu trú, “nới” thời gian hoạt động của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, phố đi bộ, chợ đêm, nhà hàng, karaoke. Không nhận thức được xung đột giữa các quy định hành chính hiện tại và sự phát triển “kinh tế ban đêm”, cứ nhất mực buộc các cơ sở kinh doanh đóng cửa trước 12 giờ đêm thì “mô hình” kinh tế này khó phát triển. Tất nhiên bên cạnh đó rất cần đầu tư, xây dựng thêm những sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa để thu hút, giữ chân du khách.

“Kinh tế ban đêm” không chỉ đòi hỏi “nới” về cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng mà còn cần một không gian an toàn, an ninh trật tự bảo đảm, không “chặt chém”. Du khách và người dân sẽ rất yên tâm khi được tiêu tiền, trải nghiệm những thú vui mua sắm, ẩm thực, văn hoá giữa một không gian “kinh tế ban đêm” an toàn và sôi động như thế.

NGUYỄN TRIỆU HẢI
;
.