Nếu một ngày biển không còn cá, tôm…

Chủ Nhật, 15/09/2019, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

Ngư trường ngày càng cạn kiệt. Nhiều tàu cá ra khơi rồi trở về bờ trong tình trạng thua lỗ. Tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung, số lượng tàu cá phải nằm bờ ngày một nhiều. Hệ lụy kéo theo là đời sống ngư dân gặp khó khăn. Nhiều chủ tàu cá không thể tìm đủ bạn ghe cho chuyến biển vì thu nhập bấp bênh, trong khi công việc nặng nhọc, đối diện nhiều hiểm nguy về tai nạn nghề nghiệp. Ngư dân muốn bán tàu, chuyển đổi nghề cũng không có người mua.  

Nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt là do đội tàu phát triển quá nhanh trong thời gian dài. Trong khi đó, tình trạng đánh bắt hủy diệt gần bờ (đánh bắt bằng hình thức giã cào, kích điện, thuốc nổ, rập bát quái) còn phổ biến, khiến các loài thủy sản không kịp phục hồi, sinh trưởng. Và như một cái vòng luẩn quẩn, biển càng ít cá thì ngư dân càng cố gắng tận thu, tận diệt nên đánh bắt cả những con còn non, con mang trứng… Hình thức đánh bắt tận diệt đã bị cấm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh nhân sự mỏng, thiếu phương tiện và kinh phí tuần tra, truy bắt, lực lượng chấp pháp còn bị người vi phạm bất hợp tác, thậm chí sẵn sàng chống đối. 

Thời gian qua, Chính phủ và nhiều địa phương đã có những giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ; chuyển đổi phương tiện hành nghề, giải bản với những phương tiện có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ, đánh bắt bằng hình thức tận diệt. Ngày 17/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, những ngư dân đủ điều kiện tham gia đề án này sẽ được nhận một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Chính sách này nhằm hướng tới phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân; giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện đầy đủ cam kết chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Quảng Ngãi và Tiền Giang là 3 địa phương được chọn thí điểm thực hiện đề án. Ngoài ra, một vài DN có tiềm lực cũng đã được cấp giấy phép ra nước ngoài khai thác hải sản theo thỏa thuận với các quốc gia sở tại nhưng không thuộc đề án này.  

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án còn khó khăn về thủ tục, quy mô đội tàu, nguồn vốn và chi phí hoạt động do ngư trường ở xa Việt Nam hàng ngàn cây số nên số ngư dân đủ khả năng tham gia đề án còn hạn chế. Vì vậy, một trong những giải pháp hữu hiệu, lâu dài cần tính đến là “dưỡng biển”. Hàng năm, Bộ NN-PTNT và các địa phương có biển thường phát động và tổ chức các đợt thả giống thủy, hải sản ra biển. Hoạt động này ngoài việc tái tạo nguồn lợi thủy sản còn mang ý nghĩa tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ nguồn lợi. 

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, một số ý kiến đã đề xuất ngành thủy sản ban hành lệnh cấm biển có thời hạn, nhất là trong mùa sinh sản của các loài hải sản. Việc áp dụng lệnh cấm biển có thể gây ảnh hưởng nhất định đến thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhưng về lâu dài, đây là giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi áp dụng lệnh cấm, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân về: chuyển đổi nghề, chuyển đổi phương tiện, đào tạo nghề... Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng (kiểm ngư, bộ đội biên phòng, thanh tra thủy sản…) cần tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt kiểu hủy diệt. Ngoài ra, giải pháp không thể bỏ qua là tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm làm cho ngư dân nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về những nguy cơ của tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Chỉ khi nhận thức đầy đủ, ngư dân mới thay đổi bằng hành động.

Nếu ngư dân cứ tiếp tục đánh bắt tận diệt, đến một ngày biển sẽ không còn tôm cá. Các thế hệ con cháu ngư dân sẽ sống bằng nghề gì? Lời giải cho câu hỏi này phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và hành động của mỗi ngư dân ngay từ bây giờ.

NGUYỄN ĐỨC 

;
.