Để gà không còn rẻ hơn rau!

Chủ Nhật, 22/09/2019, 21:13 [GMT+7]
In bài này
.

Hơn 1 tháng trở lại đây, người nuôi gà công nghiệp đang hứng chịu tổn thất lớn nhất trong hàng chục năm qua khi giá gà bán ra tại trại chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục và chỉ mới xấp xỉ 50% giá thành chăn nuôi hiện lên tới 23.000 đồng/kg. Như vậy, với giá này, nếu làm một phép so sánh, với 25.000 đồng/kg hành lá, 30.000 đồng/kg khoai tây, 50.000 đồng/kg xà lách…, 1kg gà chỉ mua được nửa kg hành lá! Không chỉ gà công nghiệp mà gà tam hoàng cũng như gà ta đang rơi vào giai đoạn giảm giá mạnh nhất khiến người chăn nuôi lao đao, phải bán tống bán tháo để giảm lỗ. Thống kê của ngành chăn nuôi cho thấy, cứ 15.000 con gà xuất chuồng là người nuôi lỗ khoảng 600 triệu đồng.

Ghi nhận từ thực tế, một trong những lý do khiến giá gà công nghiệp sụt giảm mạnh là do thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi gà tăng đàn với kỳ vọng thịt gà sẽ thay thế thịt heo trước tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi đang tàn phá ngành chăn nuôi heo. Với “phỏng đoán” nguồn cung thịt heo giảm thì nhu cầu về thịt gà sẽ tăng, kéo theo đó giá gà sẽ tăng, nhiều DN cũng đã lên kế hoạch tăng cường nhập khẩu thịt gà cho cuối năm nay.

Trong một diễn biến khác, số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, chỉ trong 7 tháng năm 2019, lượng thịt gia cầm nhập khẩu đã đạt 87.800 tấn, kim ngạch 78,6 triệu USD, sản lượng này tương đương 3 năm (2016-2018) cộng lại. Giá gà công nghiệp nhập khẩu chỉ trên dưới 1 USD/kg, nếu tính thuế, phí lưu kho, phí vận chuyển, giá bán lẻ tại thị trường Việt Nam chỉ vào khoảng trên dưới 30.000 đồng/kg. Khảo sát tại các siêu thị ngày 22/9, giá gà công nghiệp hiện vẫn giữ mức ổn định, dao động từ 50-60.000 đồng/kg tùy loại (ức, cánh, đùi…).

Như vậy, ngành chăn nuôi gà đang lâm vào tình cảnh “khó chồng khó”, trước bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, thuế nhập khẩu giảm về 0% thì nguồn nhập khẩu thịt gà giá rẻ sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. 

Dù bàn thảo tại nhiều hội nghị, các chiến lược, chính sách phát triển cũng đã được ban hành và triển khai thực hiện, nhưng ngành chăn nuôi thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố thiếu bền vững. Năng suất ngành chăn nuôi chưa cao, tỷ trọng chi phí nguyên liệu đầu vào lớn, chiếm tới 60-65%, trong đó, có tới 80-90% nguyên liệu đều phải nhập khẩu. Sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi vẫn còn yếu và không bền vững bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất còn đơn sơ, chưa được đầu tư khoa học công nghệ cũng như vấn đề vệ sinh môi trường chuồng trại dẫn đến những nguy cơ các loại vật nuôi dễ bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với sản phẩm của các nước khác, đặc biệt là các nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Chỉ xét riêng về yêu cầu truy xuất nguồn gốc, thức ăn sạch thì ngành chăn nuôi đã chưa đáp ứng được, bởi lẽ đa phần nguồn thực phẩm gia súc, gia cầm đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Với lượng thịt nhập khẩu tăng nhanh trong thời qua thì sản phẩm của ngành chăn nuôi đã “thua ngay trên sân nhà” chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Đã đến lúc ngành chăn nuôi gia cầm cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu một cách mạnh mẽ. Đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ, đổi mới công tác quản trị DN, nâng cao năng suất vật nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm tiệm cận với giá thành bình quân của thế giới. Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước bằng chính sách kích cầu, cần bảo đảm yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ vững thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu.

NGÔ GIA

 

 
;
.