"Cầm máu" khoáng sản

Thứ Ba, 10/09/2019, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Thành Long vừa chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ông cũng đề nghị các ban, ngành liên quan cung cấp cụ thể số liệu khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, qua đó đánh giá lại hiệu quả khai thác và năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này để có giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Long đưa ra yêu cầu trên sau buổi khảo sát thực tế về tình hình khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày 6/9 và báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường và Cục Thuế tỉnh. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, với cách kiểm soát khối lượng khoáng sản khai thác qua bản đồ địa hình và hiện trạng, không loại trừ khả năng ngành chức năng không nắm được số liệu thực tế.

Khuyến cáo của Quyền Chủ tịch UBND tỉnh là rất kịp thời và cần thiết khi mà gần đây trên địa bàn tỉnh lại tái diễn nạn khai thác khoáng sản trái phép mà táo tợn nhất là vụ “xẻ thịt” đồi cát quy mô lớn tại địa bàn phường 11,TP.Vũng Tàu.

“Chảy máu” khoáng sản là một thực trạng đã được báo động trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, khi rầm rộ, công khai, lúc lén lút, âm thầm, bằng nhiều cách khác nhau. Từ các loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như vàng, mangan, quặng sắt, titan, thiếc, bauxite…, tới những loại khoáng sản thông thường như đá, cát sỏi, đất sét, than đá… bị “rút ruột” hàng ngày núp bóng dưới nhiều hình thức như đào ao, trồng rừng, mở đường, xây dựng công trình hạ tầng. Đó là chưa nói đến việc không ít doanh nghiệp khai thác khoáng sản chui, trốn thuế tài nguyên và và phí bảo vệ môi trường.

Sự thiếu công khai, minh bạch trong khai thác khoáng sản đã dẫn tới nhiều hệ luỵ, nổi cộm là tình trạng báo cáo sai lệch sản lượng thăm dò, khai thác ở các mỏ. Rất có thể đây là nguyên nhân khiến cho nguồn tài nguyên này bị thất thoát và đáng lo ngại hơn là trở thành “chùm khế ngọt” của một số người.

Vật liệu san lấp, cát xây dựng là những khoáng sản bị khai thác ồ ạt, trái phép nhiều nhất những năm qua. Nhu cầu san lấp mặt bằng và xây dựng tăng cao trong khi nguồn cung có hạn đã làm phát sinh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở hầu hết các tỉnh thành. Hệ quả là khoáng sản bị khai thác một cách bừa bãi, dẫn đến “chảy máu” tài nguyên, ô nhiễm môi trường, xe chở đất, đá cày nát đường giao thông liên xã, liên thôn...

Trong khai thác đá, phần lớn các doanh nghiệp vẫn áp dụng công nghệ lạc hậu nên đã làm phát sinh nhiều tiếng ồn và bụi trong quá trình nghiền, sàng và vận chuyển, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân. Việc khai thác tại mỏ đá puzolan thuộc khu vực núi Thơm, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ trước đây là một ví dụ. Trong suốt 20 năm, người dân sống quanh khu vực núi Thơm luôn sống trong ô nhiễm vì bụi bao phủ và tiếng nổ mìn đánh đá “tra tấn” hàng ngày. Doanh nghiệp đã từng nhiều lần phải vào các nhà dân để thương lượng việc bồi thường liên quan đến việc gây nứt nhà và các ảnh hưởng khác từ việc khai thác vận chuyển đá.

Khoáng sản là tài nguyên không thể tái tạo nên sẽ ngày càng trở nên khan hiếm. Do vậy, việc cần làm lúc này là “cầm máu” khoáng sản. Bằng nhiều cách: Xử lý triệt để vấn nạn khai thác trái phép, tăng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm đủ sức răn đe nhằm phòng ngừa, tái diễn; Kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác và buộc các doanh nghiệp đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường ở những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an ninh; Sớm hoàn thiện quy chế quản lý, xử lý và cấp phép các loại phương tiện vận chuyển khoáng sản, bởi như Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) nhận định, khi quy chế quản lý chưa rõ ràng, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, thì nạn khai thác khoáng sản nói chung và bơm, hút cát trái phép tại các cửa biển, cửa sông vẫn còn tiếp diễn.

Công khai, minh bạch trong lĩnh vực khai thác khoáng sản là một trong những giải pháp hữu hiệu để quản lý nguồn tài nguyên quan trọng này. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là phương thức khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, tăng hiệu quả kinh tế. Công khai, minh bạch thông tin sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng vào việc khai thác, sử dụng khoáng sản một cách bền vững, giảm thiểu các tác động đến môi trường, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước...

Hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra lành mạnh sẽ tạo ra giá trị thực sự cho nền kinh tế, qua đó cũng chứng tỏ năng lực quản lý, điều hành của cơ quan chức năng và các cấp chính quyền.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.