Tăng cường giám sát các ca, ổ bệnh sốt xuất huyết

Thứ Hai, 05/08/2019, 18:33 [GMT+7]
In bài này
.

Đúng như dự báo của Bộ Y tế, năm 2019 là năm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh theo chu kỳ của dịch. Từ đầu năm đến nay, 61/63 tỉnh, thành phố đã ghi nhận sự xuất hiện các ca bệnh SXH. Cập nhật số liệu mới đây của Bộ Y tế, cả nước đã có hơn 105.000 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 10 trường hợp tử vong và số người mắc bệnh SXH tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương.

Hiện đang là thời kỳ cao điểm của mùa dịch bệnh SXH, số ca mắc mới liên tục tăng cao, lên mức 4.000-5.000 ca/tuần; trong khi những tháng trước chỉ khoảng 1.000-2.000 ca/tuần. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng cho biết, hiện mỗi tuần trên địa bàn thành phố có thêm 180-220 ca SXH; lũy kế từ đầu năm đến nay đã lên đến 3.499 ca, tăng hơn 2.200 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực miền Đông Nam Bộ (Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, BR-VT…) số ca mắc bệnh SXH tăng hơn nhiều lần so với cùng thời điểm. Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay có tới 7.499 người mắc bệnh SXH, tăng hơn ba lần so với cả năm 2018 (1.993 ca).

Trên địa bàn tỉnh BR-VT, theo số liệu của ngành y tế, SXH năm nay gia tăng ở mức đột biến. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.500 ca mắc bệnh SXH, có 3 người tử vong. Đáng lưu ý, có tới hơn 90% số ca SXH là người lớn (3 ca tử vong đều là người lớn). Huyện Châu Đức là địa phương có số bệnh nhân SXH tăng mạnh nhất, với hơn 1.400 ca, tăng 25 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh SXH, UBND tỉnh BR-VT yêu cầu ngành y tế phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống SXH. Đặc biệt, từ nay đến hết mùa mưa cần tăng cường công tác giám sát các ca bệnh, ổ dịch, tình hình dịch tễ và duy trì các đợt chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường… một cách sâu rộng, triệt để đến tận hộ gia đình.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, bệnh SXH ở nước ta không chỉ xuất hiện vào mùa mưa, bão như thông lệ hàng năm, mà trải đều trong các tháng, các vùng. Những diễn biến bất thường của bệnh SXH ngay trong mùa thời tiết hanh khô, ở nhiều vùng miền, kể cả ở người lớn, cho thấy sự tiềm ẩn những nguy cơ lan nhanh ổ bệnh trên diện rộng và bùng phát thành dịch ở mọi thời điểm và mọi đối tượng. Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, Bộ Y tế đã có Chỉ thị khẩn gửi các địa phương và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác phòng, chống SXH năm 2019. Ngành y tế các tỉnh, thành phố đã và đang chủ động triển khai công tác giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, tình hình véctơ truyền bệnh (chỉ số muỗi và lăng quăng) nhằm phát hiện sớm nhất các ổ bệnh và vùng nguy cơ bùng phát dịch để có những biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH kịp thời, hiệu quả.

Được cảnh báo là bệnh lưu hành quanh năm, PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh nêu rõ, SXH là loại bệnh không quá khó để phòng, chống mặc dù cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị hay văcxin phòng bệnh. Bộ Y tế cũng đã phát đi thông điệp rất dễ hiểu, dễ nhớ: “Không có lăng quăng, không có SXH”. Chính vì vậy, quan trọng nhất trong phòng, chống SXH vẫn là triển khai hiệu quả các đợt chiến dịch diệt lăng quăng và vệ sinh môi trường.

Từ thông điệp “Không có lăng quăng, không có SXH” nhiều địa phương và các tuyến y tế cơ sở đã triển khai thực hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống bệnh SXH trong cộng đồng. Coi trọng vai trò của địa bàn dân cư, hộ gia đình nhiều địa phương tiếp tục duy trì mô hình tập huấn kỹ năng truyền thông và kiến thức phòng, chống bệnh SXH cho các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn để làm hạt nhân tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Đồng thời, khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách lật úp các vật dụng không chứa nước, kể cả mảnh vở lu vại, chai lọ; Mắc màn khi đi ngủ, mặc quần áo dài đề phòng muỗi đốt cả ban ngày; Tích cực hỗ trợ và phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; Khi bị sốt cao (hơn 38,50C) từ 2 đến 7 ngày, cùng với các triệu chứng đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, phát ban… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

HOÀNG LÊ

;
.