Loại bỏ những "con sâu" trong ngành du lịch

Thứ Sáu, 09/08/2019, 08:45 [GMT+7]
In bài này
.

Chuyện ồn ào trong mấy ngày qua về vụ ông Oki Toshiyuki (83 tuổi, người Nhật Bản) bị người đạp xích lô lấy 2,9 triệu đồng cho đoạn đường chưa tới 1km tại phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh đã tạm khép lại khi người đạp xích lô trên bị công an tạm giữ để xem xét xử lý hình sự cho hành vi rất đáng trách của mình. Đồng thời, ngày 7/8, lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã gặp người nhà ông Oki Toshiyuki để trao thư xin lỗi của người đạp xích lô và hãng Hàng không Vietnam Airlines đã trao tặng gia đình vị khách cặp vé máy bay khứ hồi như để bù đắp thiệt hại về tinh thần tới ông. Người nhà cho biết, ông Oki Toshiyuki đã vui vẻ bỏ qua sự cố này và hứa sẽ trở lại Việt Nam.

Cuối tháng 7, một quán ăn tại TP. Vũng Tàu bị du khách “tố” có hành vi mập mờ trong kinh doanh khi tính hơn 8,5 triệu đồng cho bữa ăn trưa gồm 22 người. Ngay lập tức, Đoàn kiểm tra liên ngành TP.Vũng Tàu đã vào cuộc kiểm tra quán ăn này. Tuy chưa làm rõ được hành vi quán tính giá cao với khách, nhưng Đoàn cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính vì quán có lỗi “không thể hiện đầy đủ biển hiệu, địa chỉ, số điện thoại” theo quy định. Tiếp đó, trong buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí hôm 6/8, ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cũng khẳng định thành phố sẽ kiểm tra, rà soát tại cơ sở và chủ thể kinh doanh. Nếu xác định có vi phạm sẽ xử lý triệt để bằng cách rút giấy phép và các chế tài khác theo quy định của pháp luật.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh hay TP.Vũng Tàu trước thông tin phản ánh của du khách và các cơ quan báo chí là rất kịp thời. Từ nhiều năm qua, TP.Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung luôn kiên trì xóa bỏ các “địa chỉ đen” trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Nhà hàng, quán ăn nào bị du khách phản ánh về thái độ kinh doanh bất minh đều bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở và xử lý, hình thức cao nhất là rút giấy phép kinh doanh. Nhờ đó, môi trường kinh doanh du lịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng lành mạnh. Uy tín của du lịch địa phương dần được nâng cao. Theo đó, lượng khách đến Bà Rịa-Vũng Tàu tăng mạnh ở mức 15-16%/năm. Ở quy mô quốc gia, ngành du lịch Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc loại bỏ những hành vi kinh doanh chụp giật để lành mạnh hóa môi trường du lịch theo hướng thân thiện, làm vừa lòng du khách. Nhờ đó, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta trong 3 năm qua luôn tăng trưởng ở mức 20-30%. Trong đó, năm 2018 đạt hơn 15,6 triệu lượt.

Tiếc rằng, thỉnh thoảng ở các địa phương lại xuất hiện những hành vi xấu của một vài người làm dịch vụ. Vì lợi ích trước mắt, họ sẵn sàng gian lận, “chặt chém”, thậm chí hành hung, ép buộc du khách mua dịch vụ với giá cao. Những hành vi xấu xí đó đã làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh, uy tín của ngành du lịch mà các cơ quan quản lý nhà nước và người làm ăn chân chính đã dày công gây dựng. Do đó, để có môi trường du lịch lành mạnh, thực sự thân thiện và an toàn với du khách, chúng ta cần phải loại bỏ những “con sâu” này bằng những hình phạt cao nhất có thể. Bởi lẽ, “tiếng xấu đồn xa”, những hành vi như vậy sẽ khiến du khách lo sợ, một đi không trở lại, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng chỉ ra một trong sáu nỗi sợ của du khách nước ngoài khi đến Việt Nam là nạn “làm giá”, “chặt chém”.

Xin được mượn lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một lần trao đổi với báo chí để kết thúc bài viết này: “Đây không chỉ là vấn đề du lịch, mà là nếp sống, là văn hóa mà chúng ta phải xây dựng, điều chỉnh. Có tự hào về đất nước của mình, về dân tộc của mình hay không là ở đó. Chúng ta có thể còn nghèo, nhưng nếu mỗi người tự ý thức để sửa chữa những việc trên, chúng ta vẫn có thể làm để du lịch phát triển”.

NGUYỄN ĐỨC 

;
.