Hợp tác xã nay đã khác xưa

Chủ Nhật, 11/08/2019, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tuần vừa rồi về nhà, qua chơi chú Tư tiện thể hỏi thăm chuyện làm nông.  Chú hồ hởi lôi ra nào sổ nhật ký sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ghi lại quy trình canh tác, hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm rồi khoe: “Bữa nay, chú vô HTX rồi, nên giờ không cần mang ca cao ra chợ bán nữa. Thu hoạch đến đâu HTX mua lại đến đó, khỏe re”.

Nghe chú nói tôi cũng mừng. Cũng như nhiều nông dân khác tại huyện Châu Đức, trước đây khu vườn rộng hơn 1ha của chú Tư trồng cây điều. Sau một thời gian dài khủng hoảng về giá, những cây điều già cỗi cũng không còn nhiều trái nữa, chú chặt toàn bộ vườn điều và trồng ca cao theo chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, hồi đó do ca cao là cây trồng mới, nông dân tự trồng tự bán nên hiệu quả không cao. Nhiều hộ đã chặt bỏ ca cao để quay sang trồng tiêu, chú Tư cũng là một trong số đó khi chặt bỏ gần 4 sào.  

Câu chuyện đã thay đổi kể từ khi HTX ca cao Châu Đức được thành lập và tập hợp những hộ nông dân trồng ca cao và hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ. Chú Tư giờ không chỉ là một hộ trồng đơn lẻ mà trở thành thành viên của HTX, sản xuất mang tính liên kết và tuân thủ theo quy trình do HTX xây dựng nên. Đồng thời, HTX hỗ trợ kỹ thuật và giám sát nghiêm ngặt toàn bộ quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, bảo quản, lên men nhằm tạo sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm ATVSTP và được Công ty TNHH Thực phẩm Amazon cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng ca cao của xã viên. Những trái ca cao của nông dân Châu Đức trồng được sản xuất thành các mặt hàng bột ca cao, chocolate, bơ, rượu ca cao, thậm chí xuất khẩu sang Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc…

Theo Liên minh HTX tỉnh, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 19/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 119 HTX đang hoạt động, thu hút 11.487 thành viên và 4.744 lao động. Kinh tế tập thể sau 15 năm phát triển cũng không chỉ gói gọn vào vài ngành nghề thuộc nông nghiệp nữa mà đã trải rộng ra trên nhiều lĩnh vực như thương mại, vận tải, vệ sinh môi trường, xây dựng, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp… Ngay cả các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp từng rất yếu kém cũng không ngừng thay đổi về lượng và chất. Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ thành viên như: dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; thu mua nông sản... Các HTX đã thực sự hoạt động như một DN năng động, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường; trở thành đơn vị cung cấp nông sản vào các hệ thống siêu thị lớn hoặc trực tiếp xuất khẩu vào những thị trường khó tính như HTX ca cao Châu Đức kể trên.

Có thể nói, vai trò của HTX là thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế tập thể, giải pháp duy nhất có tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ của kinh tế hộ gia đình. Dù đạt được những kết quả ban đầu tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn không ít HTX hoạt động chưa hiệu quả, phần lớn HTX quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn. Nhiều HTX vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Các hoạt động liên doanh liên kết giữa các HTX nông nghiệp với DN còn hạn chế nên chưa khai thác được thế mạnh về nguyên liệu, vốn, thị trường để phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thì những vấn đề trên đang là rào cản đòi hỏi bản thân mỗi HTX, từ các thành viên đến Ban Giám đốc phải thay đổi tư duy mạnh mẽ. Từ đó tìm ra lối đi, hướng phát triển phù hợp, tạo động lực mới, hướng đi mới cho loại hình kinh tế này phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

NGÔ GIA

 

;
.