Hãy lật úp dụng cụ chứa nước…

Thứ Sáu, 09/08/2019, 19:12 [GMT+7]
In bài này
.

Tranh thủ hết giờ làm việc, tôi ghé bệnh viện thăm người bạn đang điều trị tại bệnh viện tỉnh. Nhà bạn chỉ cách nhà tôi vài khu phố, một khu dân cư mới, sạch sẽ, thoáng mát. Ấy vậy mà bạn lại mắc bệnh sốt xuất huyết, không những vậy, cả hai mẹ con cùng mắc bệnh.

Bạn tôi kể, ở khu phố, từ cuối tháng 6 đã có người mắc bệnh sốt xuất huyết, cơ quan y tế đã thực hiện việc diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường và kể cả phun hóa chất toàn khu.

“Không hiểu thế nào nhà mình lại thành “ổ dịch”…”, bạn cười gượng khi cơn sốt vẫn chưa mấy thuyên giảm. Gặng hỏi kỹ hơn, bạn cho biết, do đi vắng suốt, lại chủ quan vì nhà mình cao ráo, sạch sẽ, được lau dọn hằng ngày nên không thể nào có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết được. Hôm cả khu phố phòng, chống dịch sốt xuất huyết bạn cũng không ở nhà. Dù được thông báo trước, nhưng bạn cho rằng, việc phun hóa chất trong nhà mình là không cần thiết, có thể còn ảnh hưởng đến sức khỏe, vệ sinh… vì vậy, nhân viên y tế chỉ có thể thực hiện được việc phun hóa chất ngoài tường rào!

Khi bạn xuất viện, tôi lại ghé nhà thăm và đã khá bất ngờ khi phát hiện ngay một ổ lăng quăng cạnh cửa sổ, trên bàn làm việc của bạn. Nguyên một bình cây cảnh dạng thủy sinh được nuôi trồng tại đây và trong đó là cả một đàn lăng quăng đang bơi lội! Hèn chi, bạn không mắc sốt xuất huyết mới lạ! Dạo quanh nhà, còn phát hiện ở góc sân là một lu sành dùng để trồng bông sứ nhưng đã không còn sử dụng cũng sũng nước, là nơi sinh trưởng lý tưởng của không ít lăng quăng. 

Tất nhiên rằng, sau khi được nghe giải thích từ tôi, cùng với những kiến thức có được khi ở bệnh viện, bạn tôi đã nhanh chóng tiến hành “lật úp” tất cả các vật dụng có thể là nơi sinh trưởng của lăng quăng và dọn dẹp sạch những nơi muỗi trú ẩn. 

Trường hợp vô tình “nuôi muỗi” sốt xuất huyết như bạn tôi không khá hiếm gặp, khi mới đây, khảo sát thực tế của Đoàn công tác của Bộ Y tế thành lập tại các địa phương (Châu Đức, Xuyên Mộc, Vũng Tàu) đã ghi nhận tình trạng này ở nhiều hộ dân cư. Trưởng Đoàn công tác, PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện Trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã thốt lên rằng: nguồn cơn của sốt xuất huyết là đây chứ đâu! Công tác phòng, chống sốt xuất huyết sẽ không thể có hiệu quả bền vững nếu việc diệt lăng quăng không đến nơi, đến chốn! Còn đại diện Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TP.Hồ Chí Minh thì cho rằng, nếu các hộ gia đình không chủ động thực hiện phòng, chống sốt xuất huyết ngay tại nhà mình, nơi mình sinh sống mà lệ thuộc vào các cơ quan chức năng thì rất khó có hiệu quả. Việc diệt lăng quăng cũng phải đánh “trúng đích”. Bởi muỗi sốt xuất huyết không trú ngụ thành bầy đàn trong bụi rậm mà chủ yếu sống đơn lẻ ở trong nhà, trú tại các góc khuất, nơi treo mắc quần áo,... Muỗi đẻ trứng ở môi trường nước sạch, vậy nên lăng quăng dễ được tìm thấy trong các lu, khạp chứa nước sinh hoạt, trong các bình bông, chậu kiểng, trong các vật phế thải đọng nước…

Đúng như dự báo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế, năm 2019 đã trở thành năm “đỉnh điểm” của sốt xuất huyết khi số ca mắc đang không ngừng gia tăng và bệnh đã lây lan khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận hơn 105 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, 10 trường hợp đã tử vong. Từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh vẫn không ngừng gia tăng mặc cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tìm mọi phương cách để phòng, chống. Trước thực trạng đáng báo động này, trong khi mùa mưa còn diễn biến phức tạp cho đến hết tháng 11, ngày 29/7 vừa qua, Bộ Y tế đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh về việc tổ chức và duy trì các chiến dịch truyền thông nhằm huy động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết ngay tại gia đình. Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã có quyết định thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành trọng điểm, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngay trong tháng 8, các đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ tiến hành việc kiểm tra, giám sát và chỉ đạo 20 tỉnh, thành trọng điểm nhằm khắc phục những tồn tại của địa phương và đưa ra giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết tối ưu. 

Trên địa bàn tỉnh, hiện đang được coi là thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” khi số ca mắc sốt xuất huyết tính đến cuối tháng 7 đã lên đến hơn 5.500 ca, tăng gấp gần 8 lần so với cùng kỳ 2018, ít nhất đã có 3 trường hợp tử vong. So với trung bình 5 năm giai đoạn 2011-2015 tăng 5,3 lần. 

Việc đơn giản chúng ta cần làm và lan truyền đến cộng đồng theo khuyến cáo từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) là: Hãy lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom, loại bỏ các vật phế thải nơi muỗi đẻ trứng để phòng bệnh sốt xuất huyết. 

SƠN TRÀ

;
.