Đừng để con "mất tích" vì yêu sớm

Thứ Sáu, 16/08/2019, 21:16 [GMT+7]
In bài này
.

“Mẹ tìm con gái mất tích 3 ngày, con đang ở đâu! Về gấp, ba mẹ đang rất lo lắng! Ai biết thông tin của cháu xin làm ơn gọi về số điện thoại 037…04!

Nhờ tất cả các chị em, bạn bè chia sẻ giúp! Gia đình xin chân thành biết ơn!”.

Thông tin trên được cộng đồng mạng chia sẻ từ facebook của một bà mẹ ở huyện Châu Đức, có con gái mới học lớp 9. Con gái chị tựu trường vào sáng thứ Hai và đã không trở về nhà sau giờ học. Không những vậy, chị còn không thể liên lạc được qua điện thoại hay zalo, facebook. Sau 3 ngày liên tục tìm kiếm khắp nơi nhưng bất thành, chị đành phải cậy nhờ cộng đồng mạng với hi vọng tìm kiếm được con mình.

Cả gia đình nữ sinh nói trên đã vô cùng hoảng loạn, lùng sục, tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Chính quyền địa phương cũng chỉ đạo khẩn cơ quan công an hỗ trợ gia đình tìm kiếm nữ sinh mất tích.

Sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm của cơ quan công an địa phương, nữ sinh đã được tìm thấy tại một tỉnh miền Tây khi đang đi chơi cùng bạn trai mới quen qua mạng xã hội! Lực lượng công an đã hỗ trợ gia đình nữ sinh đến tận nơi để đưa em trở về nhà vào lúc 1 giờ sáng. Kết thúc chuỗi ngày lo lắng đến mất ăn, mất ngủ.

Không biết nên vui hay buồn, chúc mừng hay thông cảm với gia đình bé gái. Vui bởi vì dù sao gia đình cũng đã tìm kiếm được con mình an toàn. Nhưng có lẽ buồn nhiều hơn bởi sự bồng bột của nữ sinh và cảm thấy giận vì sự quản lý lỏng lẻo của gia đình đối với một bé gái đang tuổi vị thành niên.

Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn đăng tải những nội dung liên quan đến các vụ việc bé gái đang là học sinh “bỗng dưng mất tích”. Thậm chí, ở địa phương nọ thuộc TP. Đà Nẵng, chỉ trong vòng 1 tháng, cơ quan công an nhận được cả chục lá đơn trình báo của phụ huynh về việc mất tích “bí ẩn” của các cô con gái. Các em đều đang là học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn. Khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện rằng, thực chất các bé gái yêu sớm, bỏ nhà đi theo bạn trai.

Cách đây chưa lâu, tại BR-VT, cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử vụ xâm hại tình dục trẻ em. Vụ án tạo nên những tranh luận khi nạn nhân của vụ án là nữ sinh lớp 10 đã dọa tự tử, gây sức ép với gia đình để bảo vệ bạn trai mình yêu.

Có lần, tôi từng rất ám ảnh khi chứng kiến người mẹ trẻ đưa con gái học lớp 10 đi khám bởi bé xanh xao, bụng chướng và thường xuyên nôn ói… Sau kết quả khám, cả hai mẹ con ôm nhau khóc. Bé gái có thai, đã ở tuần thứ 10. “Mẹ xin lỗi con, chỉ vì mẹ ít có thời gian dành cho con…”. Đó là tất cả những gì người mẹ ấy có thể nói trước cú sốc ngoài sức tưởng tượng.

Trong mắt các ông bố, bà mẹ, có khi các bé gái đều rất ngoan ngoãn. Thực ra, đôi khi trong đó chứa cả những dại dột vì các em thiếu kiến thức, kỹ năng phòng vệ.

Trẻ yêu sớm - đó là thực trạng chứa đựng nhiều hệ lụy. Vì vậy, trẻ cần có nhiều hơn sự chia sẻ của bố mẹ, người thân để hướng các em đến những sinh hoạt lành mạnh, tránh rơi vào những lời dụ dỗ nguy hiểm. Gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, giúp các em nhận thức và hiểu rõ những thay đổi tâm sinh lý, để tránh những hậu quả đau lòng.

Một chuyên gia tâm lý cho rằng, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, phim ảnh, mạng xã hội là nguyên nhân khiến những đứa trẻ yêu sớm. Và trong khi bố mẹ không đủ khả năng để quản lý hết thông tin đến với trẻ thì hãy chú tâm vào việc giáo dục trẻ cách sàng lọc thông tin, phòng vệ cho bản thân và hiểu về tâm sinh lý, giới tính.

SƠN TRÀ

;
.