Mùa hoa lê-ki-ma nở...

Thứ Sáu, 26/07/2019, 09:59 [GMT+7]
In bài này
.

Buổi sáng mùa hè, giữa tháng 7 tôi đã cùng nhóm đồng nghiệp Người Làm Báo đến Khu di tích nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, cách TP.Bà Rịa chỉ hơn 15 phút chạy xe. Khi vừa tới nơi, bên trong khu di tích, ấm áp giọng hát trữ tình của một nữ du khách có đệm đàn ghi ta: “Mùa hoa lê-ki-ma nở/ Ở quê ta miền Đất Đỏ/ Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/ Đã chết cho mùa hoa lê…ki…ma nở/ Đời sau vẫn còn nhắc nhở/ Sông núi đất nước ơn người anh hùng… Bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cất lên tại chính quê hương của chị Sáu, đúng dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ có sức lan tỏa, lay động lòng người đến lạ.

Ăn quả nhớ người trồng cây. Đó là đạo nghĩa, là văn hóa, đã trở thành truyền thống của người Việt ngàn đời nay. Con cái phải luôn hiếu nghĩa, biết ơn cha mẹ đã sinh ra và dưỡng dục. Cháu chắt nhớ ơn ông bà- cội nguồn, tổ tiên. Các thế hệ học trò nhớ ơn thầy cô - những người đã dạy chữ, dạy lễ nghĩa cho các thế hệ học trò.

Ngày 27/7/1947, lần đầu tiên nước ta tổ chức ngày Thương binh - Liệt sĩ. Bác Hồ tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy mà Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Ngày 27/7/1948, Bác Hồ kêu gọi: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc… Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống”. Người khẳng định: “Đó là thương binh, đó là tử sĩ”, “bổn phận Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn họ”.

BR-VT là một trong số những địa phương đi đầu phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ người trồng cây! Đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống từ hơn hai mươi năm nay: Đêm 26 rạng ngày 27/7 hàng năm, gần như các thôn ấp, phường xã trong toàn tỉnh không ngủ, các ngôi đền Liệt sĩ trầm hùng bản nhạc hồn tử sĩ, hương trầm nghi ngút bên các mâm quả. Mở đầu, lãnh đạo tỉnh, huyện và phường xã, đông đảo bà con trang trọng làm lễ chào cờ. Sau đó, lãnh đạo các cấp, các bậc bô lão, bà con xếp hàng dâng hương, tưởng nhớ các Anh hùng - Liệt sĩ. Lãnh đạo tỉnh hàng năm cũng tổ chức chu đáo hoạt động thăm, tặng quà Mẹ VNAH, các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ…

Sống biết ơn và tri ân! Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ người trồng cây là văn hóa, luôn nhớ về cội nguồn; tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ xông pha nơi mặt trận, hy sinh xương máu để “Bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào” như Bác Hồ đã nhắc nhở lúc sinh thời.

Đến thăm khu di tích anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, chúng tôi càng thêm thuộc lòng bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. Trong lòng chúng tôi, như luôn được nhắc nhở: “… Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở/ Đời sau vẫn còn nhắc nhở/ Sông núi, đất nước ơn người anh hùng…”. Bổn phận mỗi người Việt Nam hôm nay phải luôn tưởng nhớ và biết ơn. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, là bổn phận của người đang sống, là văn hóa của hôm nay và mãi mãi về sau.

TRIÊU DƯƠNG

;
.