Khen, chê và tinh thần cầu thị

Chủ Nhật, 21/07/2019, 22:00 [GMT+7]
In bài này
.

Hai tháng trước, khi nghe tin Việt Nam lọt vào top 10 nền giáo dục hàng đầu của thế giới, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia giáo dục và người dân đã có những phản ứng không đồng tình. Người cho đó là “lạc quan tếu”, người thì nói “thành tích ảo”, chớ nên mừng. Nhiều người phản ứng có phần gay gắt. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số” do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn ngày 2/5, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói: “Tôi không tự hào về điều này. Thực tế cho thấy lĩnh vực giáo dục thời gian qua nảy sinh rất nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận, 

trong đó bê bối mua điểm tại hàng loạt địa phương như Hòa Bình, Sơn La… đến nay vẫn chưa lắng xuống”; GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, chuyên gia văn hóa học và ngôn ngữ học cũng chia sẻ: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là 1 trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn có thể hiểu được, còn là 1 trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”. 

Có những phản ứng nói trên là do trong một báo cáo của Bộ KH-ĐT gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có nói kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới. Thông tin này được Bộ KH-ĐT dẫn từ “Báo cáo tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 3/2018.  

Những nhìn nhận, đánh giá, bình chọn, khen chê kiểu như trên về một vấn đề hay lĩnh vực nào đó do các tổ chức, diễn đàn, trang mạng trên thế giới công bố, nhiều vô kể. Thường nghe thấy nhất là những thông tin bình chọn về sự tụt hoặc thăng hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện, về chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) do Quỹ Kinh tế Mới (NEF) thực hiện, về xếp hạng phát triển du lịch do Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) tiến hành, về xếp hạng chống tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tiến hành… Không ít những cuộc xếp hạng đó đã gây  nên những hoài nghi, tranh cãi, những ý kiến trái chiều trong dư luận hoặc “phản pháo” từ phía cơ quan chức năng. Chẳng hạn như cách đây mấy năm, trang Business Insider nổi tiếng của Mỹ đã xếp Việt Nam vào vị trí thứ 16 trong top 20 điểm đến đáng sống nhất trên thế giới và ngay lập tức đã nhận được những phản ứng trái chiều của công chúng. “Ngỡ ngàng”, “lạc quan tếu”… là những đánh giá dành cho sự xếp hạng nói trên. Người ta đặt câu hỏi, “đáng sống nhất trên thế giới” ở chỗ nào khi hàng ngày trên đất nước này nạn cướp giật và tai nạn giao thông vẫn còn nhức nhối khiến cư dân lẫn du khách bất an. Trên các trang mạng, nhiều người hài hước cho rằng chỉ nên xem đó như là một câu chuyện vui đọc để xả trét sau một ngày làm việc vất vả.

Hai ví dụ khác: Vào năm 2014, TripAdvisor - website chuyên nghiên cứu về du lịch - xếp thủ đô Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về nạn móc túi, còn năm 2015, The Guide to Sleeping in Airports - website chuyên xếp hạng chất lượng các ga hàng không toàn cầu, xếp 2 sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào top 10 phi trường tệ nhất châu Á. Trước những nhìn nhận, đánh giá “tồi tệ” ấy, cơ quan chức năng đã “phản pháo”, cho rằng bình chọn ấy chưa thuyết phục, thiếu khách quan hoặc “trang mạng bình chọn không phải là của một tổ chức chuyên môn có uy tín”… 

Trên tất cả các lĩnh vực, những cuộc cuộc bình chọn, xếp loại dù được chuẩn bị chu đáo, chuẩn mực tới cỡ nào cũng đều cho kết quả tương đối. Xác định được như vậy, người trong cuộc sẽ không thấy khó chịu, giãy nãy lên trước những lời chê bai, mà còn có những ứng xử phù hợp, văn hóa, văn minh. 

Thói thường, ai cũng chỉ muốn được nghe lời tán dương, không thích sự đả kích, chê bai. Nhưng trong xu thế toàn cầu hóa, sự khen, chê từ bên ngoài lại là “phép thử” cần thiết, đặt một cộng đồng, một dân tộc trước sự thử thách: Nếu không tỉnh táo đón nhận, tiếp thu những đánh giá “nghịch nhĩ” của bên ngoài một cách cầu thị thì cộng đồng đó, dân tộc đó khó tránh khỏi sự tự mãn, sai lầm. Bảng xếp hạng của các tổ chức, diễn đàn, trang mạng có thể chưa chính xác khi so với thực tế tại nước ta; Kết quả khảo sát của họ cũng có thể khác nhau, thậm chí trái ngược nhau nhưng không vì vậy mà chúng ta tìm cách chối bỏ, phủ nhận. Trái lại, nó còn có ý nghĩa như của một lời cảnh tỉnh, giúp chúng ta nhìn lại, khắc phục, điều chỉnh những khiếm khuyết, sai lầm, để học lấy những bài học cần thiết cho mình. 

Thuốc đắng dã tật. Biết lắng nghe những lời phản biện, chất vấn, biết tiếp nhận và suy nghĩ thấu đáo từng chi tiết trong những lời khen, chê về mình, để biết mình là ai và phải làm gì, đó là thái độ khôn ngoan, làm tăng vị thế của đất nước trong xu thế hội nhập với thế giới với nhiều khó khăn và thử thách đan xen.

HẢI LĂNG

 

 

;
.