Cảnh giác với dự án "ma"!

Thứ Ba, 25/06/2019, 19:34 [GMT+7]
In bài này
.

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có loạt bài bóc trần chiêu trò núp bóng và thủ đoạn tinh vi của cái gọi là “Tập đoàn địa ốc Alibaba” trong việc san ủi đất nông nghiệp, phân lô rao bán đất nền trái phép tại xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ. Không chỉ rao bán dự án “ma”, Alibaba còn có hành vi chống người thi hành công vụ, cản trở, phá hủy phương tiện làm việc khi cơ quan chức năng ra quân lập lại trật tự trong lĩnh vực đất đai và xây dựng trên địa bàn thị xã. Loạt bài của báo giúp bạn đọc có thêm một góc nhìn khách quan về Alibaba, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân trong bối cảnh số nạn nhân của những dự án “ma” ngày càng nhiều lên.

Dự án “ma” từ lâu luôn là nỗi lo của người dân khi tìm mua đất nền, nhà ở. Dính những dự án “bánh vẽ” này người mua không chỉ tiền mất tật mang mà còn mất nhiều thời gian cho việc kiện cáo, khắc phục hậu quả.

Ở khu vực miền Đông Nam Bộ, mặc dù không được chính quyền địa phương cấp phép bất cứ dự án khu dân cư nào nhưng những “công ty địa ốc” mà trong đó, có “số má” hơn cả là Tập đoàn địa ốc Alibaba, vẫn tự vẽ quy hoạch dự án và ngang nhiên rao bán đất nền trên nhiều trang web, mạng xã hội hoặc dưới dạng tờ rơi bằng những lời “có cánh”.

Vào trung tuần tháng 6, cơ quan chức năng TX.Phú Mỹ đã phải ra quân thực hiện việc cưỡng chế, buộc trả lại nguyên hiện trạng mục đích sử dụng đất ban đầu bị Alibaba tự ý phân lô, làm đường giao thông, sử dụng đất sai quy định. Không dừng lại ở đó, cơ quan chức năng TX.Phú Mỹ còn niêm yết quyết định cưỡng chế tại các khu đất trên địa bàn xã Châu Pha, treo biển thông báo tại nhiều khu vực để cảnh báo cho người dân biết trên địa bàn thị xã hiện không có bất kỳ dự án nhà ở nào được cấp phép thực hiện.

Các “công ty địa ốc”có lắm chiêu trò để lừa đảo khách hàng. Các công ty này sử dụng nhiều tư vấn viên, dùng đủ cách để lôi cuốn người mua. Kịch bản quen thuộc là cài cắm khách hàng “chim mồi”, vẽ ra các tiện ích vượt trội của dự án, diễn kịch ký hợp đồng để tạo niềm tin, khách hàng thấy hấp dẫn mà xuống tiền đặt mua. Trong hợp đồng mua bán đất nền, các “công ty địa ốc” cố tình cài những điều khoản mang tính chất cài bẫy, hiểu thế nào cũng được để khi vụ việc được đưa ra pháp luật, khách hàng không thể thắng kiện họ. Tổ chức đưa khách hàng đi xem thực địa một cách rầm rộ, hoành tráng kết hợp bốc thăm trúng thưởng cũng là cách để lôi cuốn khách hàng. Các giao dịch mua bán thường diễn ra ở nơi khác, chính quyền địa phương không hề hay biết nên không thể can thiệp, ngăn chặn.

Để “lách” sự theo dõi, quản lý của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, việc san lấp, làm đường, chia thửa để phân lô, bán nền chỉ làm vào ban đêm, vào ngày nghỉ và quây rào kín bằng tôn.

Với Tập đoàn địa ốc Alibaba, các chiêu trò thu hút khách có phần tinh vi hơn. Các chuyên gia bất động sản, chuyên gia tài chính chứng khoán đã rất đúng khi nhận định Alibaba có dấu hiệu kinh doanh giống kiểu bán hàng đa cấp, đem bán, thu tiền của khách hàng từ dự án chưa triển khai hoặc chưa có sản phẩm thật rồi dùng chính sách lợi nhuận để người mua sau bỏ tiền vào... Kiểu kinh doanh này rất nguy hiểm, nếu không kịp thời ngăn chặn, hậu quả gây ra cho xã hội là rất lớn. Về bản chất đây là một giao dịch dân sự hợp pháp nằm ngoài phạm vi của Luật đất đai, Luật nhà ở. Alibaba đã lợi dụng điều này, nhận ủy quyền từ các cá nhân để vẽ ra nhiều thông tin dự án trên khu đất được ủy quyền để bán lại. Trong trường hợp rủi ro, Alibaba có thể phủi tay nói không phải của họ mà là của cá nhân. Khi xảy ra “sự cố”, các cơ quan quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn trong ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Cảnh giác không bao giờ là thừa. Những dự án “ma”- những cơn “sóng ngầm” nguy hiểm đang đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, cần phải được ngăn chặn kịp thời. Nếu chậm trễ, không chỉ khiến nhiều người dân tiền mất tật mang mà còn tác động xấu đến an ninh, trật tự xã hội.

Nếu thực sự có nhu cầu mua đất nền nhà ở, người dân nên tới chính quyền địa phương để được cung cấp thông tin quy hoạch, thông tin dự án… tránh mua phải đất nền không bảo đảm pháp lý; Điều quan trọng là rút ra những bài học của những nạn nhân đi trước, nhận diện kỹ những chiêu trò tinh vi của các “công ty địa ốc” - nhất là của Tập đoàn Alibaba để tránh tình trạng tiền mất tật mang.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.