Cán bộ sâu sát thì dân được nhờ

Thứ Sáu, 14/06/2019, 18:55 [GMT+7]
In bài này
.
Ông Huỳnh Cúc, một hộ nghèo chuẩn Quốc gia của xã Đá Bạc trong tuần qua đã được tặng một con bò sinh sản. Niềm vui của ông Cúc được nhân đôi, bò mẹ đang mang thai và dự kiến sẽ sinh bê con vào tháng 10 tới.
 
Vợ mất sớm, một mình ông Cúc bươn chải nuôi 5 người con. “Một tấc đất cắm dùi” ông cũng không có. Căn nhà ông đang ở được chính quyền vận động xây tặng từ năm 2007 trên mảnh đất chừng 50m2 của một người bà con cho mượn; trong nhà không có vật dụng gì giá trị, giường cũng không có để ngủ, cả nhà nằm ngay trên sàn gạch trong suốt nhiều năm qua. Ông Cúc nói, ông sẽ chăm sóc con bò giống và nỗ lực thoát nghèo, sẽ không bao giờ ông đem bán con bò giống vừa được tặng dù có khó khăn, túng quẫn tới cỡ nào. Đó là món quà quý giá mà ông trân trọng và sẽ trân trọng cho đến cuối đời.
 
Hôm tặng bò, tham gia đoàn còn có lãnh đạo, cán bộ của địa phương, trong đó có tổ trưởng tổ dân cư, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, huyện và lãnh đạo UBND huyện. Các cấp lãnh đạo ở cơ sở đã “mục sở thị” tình cảnh gia đình ông và thấu hiểu cho sự khốn khó của những hộ nghèo, có khi dù rất chăm chỉ làm lụng nhưng khó lòng khá hơn được nếu thiếu sự quan tâm của chính quyền. 18 triệu đồng cho một con bò giống, với công việc thiếu tính ổn định, ai thuê gì làm nấy, bữa ăn qua ngày còn chưa lo nổi, ông Cúc có tích góp nhiều năm cũng không sở hữu được. Vậy nhưng, khi được tặng bò giống, cơ hội thoát nghèo đã nằm trong tầm tay của ông khi bò sinh sản tốt.

Ngay sau ngày được tặng bò, ông Cúc đã có giường để nằm ngủ do một nhóm thiện nguyện khác đã mua tặng ông 2 chiếc giường từ sự vận động của Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Tấn Bản, sau khi trực tiếp “thị sát” và thấy được hoàn cảnh quá khó khăn của ông Cúc. Tới đây, ông Cúc còn được nâng cấp nhà vệ sinh, cũng từ sự vận động của chính quyền địa phương.

Một trường hợp khác, ông Trương Văn Chính, ngụ tại thôn Trung Sơn, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức đã rơi nước mắt vì xúc động khi được quan tâm sau nhiều năm ông nằm liệt một chỗ, không người chăm sóc. Từng là giảng viên ngữ văn, ông Chính bị liệt nửa người sau một vụ tai nạn cách đây 30 năm (1989), không vợ, không con, ông sinh sống đơn chiếc trong căn nhà tình thương được xây tặng. Ông đã vô cùng xúc động và cả đêm không ngủ để sáng tác một bài thơ bày tỏ lòng cảm ơn Đảng, Nhà nước khi đem đến cho ông sự quan tâm đặc biệt, khiến ông cảm nhận được sự sẻ chia ấm áp và thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Ngoài số tiền hơn 26 triệu đồng được các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện ủng hộ thông qua chương trình “Muôn mặt cuộc đời” của Đài PT-TH tỉnh BR-VT (BRT), từ nay cho đến cuối đời, ông Chính còn được hỗ trợ mỗi tháng 2 triệu đồng. Ông Chính sẽ không còn phải chịu cảnh bữa đói, bữa no, không còn phải quá dè sẻn chi tiêu từ khoản tiền trợ cấp cho người tàn tật chỉ 650 ngàn đồng/tháng như trước. Ngoài ra, ông còn được hỗ trợ khám chữa bệnh khi cần thiết, còn được địa phương cắt cử người đến chăm sóc thường xuyên hơn.

Chúng ta đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sự sâu sát, chăm lo cho người yếu thế ở cộng đồng của cán bộ cơ sở để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong “cuộc chiến giảm nghèo” là minh chứng rõ nhất cho sự thấm nhuần lời Bác dạy.

Trở lại với câu chuyện đầy xúc động cách đây 57 năm, mùa Xuân năm 1962, trước tết Nhâm Dần, Bác muốn thăm những gia đình thật sự còn nghèo túng ở Thủ đô trong dịp giao thừa. Bác thương cảm vô cùng trước số phận người phụ nữ Nguyễn Thị Tín tần tảo đêm 30 Tết phải đi gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo. Câu nói của Bác “Nhà cháu mà không đến thì Bác còn đến nhà ai!” đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của biết bao người dân Việt Nam về nhân cách của một con người Việt Nam vĩ đại nhất. Bài học sâu sắc nhất Bác để lại là tinh thần “lá lành đùm lá rách”, lớn hơn là trách nhiệm của Chính phủ, cán bộ các cấp với nhân dân. Bác nhắc nhở: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân…”, “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người yếu thế.

Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện lời Bác dạy ở mọi cấp, mọi ngành và đồng đều khắp các địa phương lại không dễ. Theo sát công tác an sinh xã hội của tỉnh nhiều năm qua, tôi nhận thấy, vai trò của cán bộ cơ sở vô cùng quan trọng. Cán bộ cơ sở phải sâu sát với nhân dân mới phát hiện để đề xuất kịp thời sự hỗ trợ cho các hoàn cảnh yếu thế. Trong trường hợp cán bộ cơ sở vì lý do nào đó, hoặc không sâu sát, hoặc vì chỉ tiêu “đẹp” của địa phương mình mà “dấu bớt” các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người yếu thế thì chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có thiết thực cỡ nào cũng không đến được với nhân dân. Bởi, Bác chỉ rõ: “Cán bộ là gì? Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

SƠN TRÀ

 
;
.