Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm

Thứ Năm, 02/05/2019, 17:00 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ LĐ-TB-XH vừa hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo luật đã được bổ sung các chế định mới, nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động, thị trường lao động và bảo đảm tính thống nhất, sự phù hợp của hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, phải thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 

Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu còn nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số. Theo dự báo của Bộ LĐ-TB-XH, đến năm 2035, Việt Nam có đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đang diễn biến tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ. Dự báo từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ giúp Việt Nam tránh được tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số. 

Xuất phát từ các yêu cầu trên, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu với 2 phương án. Theo phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Theo phương án 2, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Cả hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nêu trên đều có lộ trình tăng chậm. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động còn đang dồi dào, nên lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chậm chỉ làm dòng chảy của thị trường lao động chậm lại đôi chút, chứ không tạo ra hệ lụy như phương án tăng nhanh. Nếu điều chỉnh tăng nhanh lộ trình tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn đến sự gia tăng đột ngột số người chưa có việc làm ổn định, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, có thể gây bất ổn xã hội. 

Do đó, việc điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như 2 phương án trên, sẽ giúp NLĐ cũng như người sử dụng lao động thích ứng dần với quy định mới; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của DN, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; thực hiện bình đẳng giới; phù hợp với xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực; cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước trên tiến trình hội nhập quốc tế. 

NHỰT THANH

 

;
.