Lỗi tại ai?

Thứ Năm, 09/05/2019, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

Chị M. mẹ của bé N.T.L. đầm đìa nước mắt khi đứa con gái bé nhỏ của mình, mới chỉ là học sinh lớp 9 đã phải làm bổn phận của một phụ nữ trưởng thành, mang bầu và sinh con. Chị vô cùng ân hận vì mình đã không gần gũi con, né tránh những câu hỏi của con về tình dục, về giới tính để phải chịu hậu quả quá lớn, khi con gái chị không được hưởng tuổi thơ trọn vẹn của một đứa trẻ. 

Chị M. làm công nhân, sáng sớm đã ra khỏi nhà và nhiều hôm tăng ca đến tận 20, 21 giờ đêm. Do vậy, chị ít có thời gian để chăm sóc con cái, kể cả khi bé N.T.L. đến tuổi dậy thì, có bạn trai từ lúc nào chị cũng không biết. 

Chỉ đến khi con có biểu hiện khác lạ, với triệu chứng như của người mang bầu, chị mới hoảng hốt tra hỏi con. Đứa con gái bé nhỏ thú nhận đã có bạn trai lâu nay. Chị tá hỏa đưa con đi khám thì tuổi thai đã lớn, nếu phá bỏ có thể nguy hại đến tính mạng của thai phụ nên đành phải giữ lại. 

Tuổi thơ chấm dứt, học hành lỡ giở, N.T.L. làm mẹ ở tuổi học trò, lóng ngóng, ngơ ngác đến tội nghiệp. 

Trên đây là câu chuyện tôi từng trực tiếp chứng kiến khá lâu, nhưng không thể nào quên được cảm giác vừa thương, vừa giận cả người mẹ lẫn cô con gái nhỏ. Ở trong câu chuyện, bé gái đã thuận tình quan hệ tình dục với “người yêu” của mình là một thanh niên ngoài 30 tuổi. Vì lý do giữ thể diện cho gia đình, câu chuyện được giữ kín, nam thanh niên thoát tội quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi. N.T.L. hiện đã là phụ nữ trưởng thành, có gia đình, nhưng sự tổn thương về mặt tâm lý, thể xác khi làm mẹ quá sớm mãi vẫn còn. 

Một trường hợp khác, thanh niên 18 tuổi “yêu” bạn gái mới 15 tuổi dẫn đến có thai, hai gia đình thống nhất chờ cả hai đủ tuổi thì kết hôn, vụ việc bại lộ khi em bé được sinh ra và phải làm giấy khai sinh. Những người lớn của cả hai gia đình đều cho rằng tình cảm phát sinh là tự nguyện và không có cưỡng ép trong tình huống này và chỉ đến khi được giải thích rõ về luật pháp hiện hành thì mới “té ngửa”. 

Trong nhiều trường hợp, những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em là do bị cưỡng bức, nhưng cũng không ít vụ việc có sự tự nguyện từ phía trẻ em. Dù trong tình huống nào thì tổn hại về mặt tinh thần, thể xác đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái đều khó tránh khỏi. 

Gần đây, trên cả nước các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng khi có nhiều vụ việc dẫn đến hậu quả trẻ em mang thai. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng không ngoại lệ khi tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng đáng báo động, tính chất vụ việc phức tạp và nghiêm trọng. Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 114 vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, đã có 14 vụ xâm hại tình dục trẻ em (trong đó 7 vụ hiếp dâm, 5 vụ giao cấu, 2 vụ dâm ô trẻ em), tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2018. 

Đây chỉ là những vụ xâm hại tình dục trẻ em được trình báo với cơ quan chức năng, thực tế vẫn còn rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em không bị phát giác; gia đình không trình báo vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình hay bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến sức khỏe, tinh thần của trẻ và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Xâm hại tình dục là vấn nạn xảy ra lâu nay nhưng luôn là “bài toán khó” cho cả chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lẫn gia đình và xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn trên và dù đã triển khai các giải pháp phòng, chống nhưng vẫn chưa có xu hướng giảm. Điều đáng nói là, ngay cả trẻ em, đối tượng bị xâm hại cũng chưa thực sự được trang bị các kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân an toàn. Cha mẹ, nhà trường còn chưa cởi mở, e ngại khi giáo dục các em về giới tính, còn coi là vấn đề “nhạy cảm”, khó nói, vì vậy, chưa thực sự làm cho trẻ em hiểu như thế nào là xâm hại tình dục và cách phòng, chống. Trong khi đó, ngay cả các quy định pháp luật hiện hành cũng chưa rõ ràng, cụ thể để xử lý triệt để các hành vi xâm hại tình dục trẻ em; Ví dụ như khái niệm “dâm ô” còn mơ hồ, chưa chỉ đích danh các hành vi như thế nào thì gọi là dâm ô dẫn đến tình trạng đối tượng xâm hại có thể thoát tội với lý do “cưng”, “nựng” trẻ em. 

Phòng luôn có giá trị hơn chống và việc bảo vệ trẻ em phải được thực hiện đồng bộ, từ gia đình đến nhà trường, các cấp chính quyền và cộng đồng. 

SƠN TRÀ

;
.