Bài toán tiền lương

Thứ Ba, 28/05/2019, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 1-7-2019, hàng triệu cán bộ công chức (CBCC) và hưu trí sẽ được hưởng mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng thay cho mức lương cơ sở hiện nay là 1.390.000 đồng/tháng.

Những người ăn lương đón nhận tin này với niềm vui và lo lắng lẫn lộn. Tăng lương đúng là vui thật, nhưng mức điều chỉnh không đáng kể (tăng thêm 100.000 đồng/tháng) và phải chờ đến đầu tháng 7 mới lĩnh còn giá cả hàng hoá thì đã có dấu hiệu nhích lên bởi tác động của 3 lần tăng giá xăng dầu và đợt điều chỉnh giá điện vừa qua.

Còn nhớ dịp đón năm mới 2019, trả lời báo chí Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ-người được giao nhiệm vụ xây dựng đề án và triển khai các nhiệm vụ về cải cách tiền lương (Nghị quyết 27, TƯ 7 khoá XII) có nói từ năm 2021, khi áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của CBCC. Lương trả theo mức đóng góp, theo vị trí việc làm là động lực để CBCC phấn đấu để đến năm 2030 CBCC sẽ sống được bằng lương. Phó Thủ tướng nói đúng “tâm trạng” của đại đa số những người ăn lương hiện nay: “Lương vẫn chưa là động lực để người làm công ăn lương vì nó mà dốc sức cống hiến”.

Nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ, chúng ta đã 4 lần thực hiện cải cách tiền lương, tính riêng từ tháng 12-1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần. Thế nhưng, những lần cải cách này chưa giải quyết được những vấn đề căn bản của tiền lương, chưa mang lại những thay đổi đáng kể về lương thực tế. Lương thấp, chưa bảo đảm cho CBCC sống được ở mức trung bình khá trong xã hội khiến nhiều đối tượng hưởng lương phải chạy vạy làm thêm, phát sinh tình trạng chân ngoài dài hơn chân trong. Hệ quả của việc này là một bộ phận CBCC không toàn tâm toàn ý phục vụ, thậm chí còn nhũng nhiễu, vòi vĩnh, làm khó người dân.

Cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để CBCC thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao là vấn đề được nhấn mạnh trong nhiều nghị quyết của Chính phủ từ nhiều năm nay nhưng tiến trình triển khai rất chậm, hiệu quả không cao. Mỗi khi có điều kiện để tăng lương thì mức tăng ấy lại chẳng tác động bao nhiêu đến đời sống của người hưởng lương. Lương tăng thì giá cả sinh hoạt cũng tăng. Tăng lương chẳng bù được tăng giá những mặt hàng thiết yếu ấy. Vấn đề quan trọng ở đây là tiền lương từ lâu không gắn với kết quả lao động, chưa tạo ra động lực nâng năng suất lao động. Làm tốt lương chừng ấy, bê trễ cũng chừng ấy lương. Cả nước hiện có khoảng 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách. Làm sao “con bò sữa” ngân sách kham nổi chuyện tăng lương cho đủ sống? Thế là phải điều chỉnh từ từ, nhỏ giọt. Mục tiêu cải cách cơ bản tiền lương do vậy trở thành thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng.

Sự thực thì không ai sống bằng lương, lương chính đã trở thành phụ trong thu nhập của mỗi người. Người ta làm mọi cách để tăng thu nhập. Bởi vậy, công việc chính trở thành công việc phụ và bê trễ là lẽ đương nhiên.

Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế và tăng lương nhưng thực tế bộ máy hành chính giảm không đáng kể, có 87,6% số biên chế được tinh giản từ năm 2015 đến cuối năm 2018 là người nghỉ hưu trước tuổi, số đối tượng cho thôi việc ngay chỉ chiếm 13,1%.

Tăng lương được đánh giá là động lực cải cách hành chính, làm cho công chức nâng cao trách nhiệm trong công việc. Nhưng, nếu cải cách hành chính diễn ra chậm chạp, tinh giản biên chế chậm chạp thì việc thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách toàn diện hệ thống thang, bảng lương sẽ khó mà “về đích” theo kế hoạch đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã từng đặt vấn đề “Hãy trả lại sự công chính cho bộ máy bắt đầu từ việc xác định tiền lương phải là thu nhập chính. Một Chính phủ muốn liêm chính là một Chính phủ phải đủ sức trả lương cho bộ máy dưỡng liêm”. Đúng vậy! Xây dựng một chính sách tiền lương đúng và khoa học sẽ góp phần cải thiện đời sống người lao động, là động lực thúc đẩy CBCC thực thi công vụ tốt, đạt hiệu suất công việc cao nhất.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.