Vì mục tiêu 18 triệu du khách quốc tế

Thứ Hai, 22/04/2019, 17:32 [GMT+7]
In bài này
.

Với mục tiêu đón 103 triệu lượt khách trong năm 2019, trong đó có 18 triệu du khách quốc tế, phục vụ 85 triệu khách nội địa, phấn đấu đạt tổng doanh thu từ du lịch lên 700.000 tỷ đồng, ngành du lịch nước ta đang ra sức thực hiện quyết tâm về đích trước thời hạn 1 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu nêu trên, ngay từ đầu năm 2019 đến nay, ngành du lịch nước ta, nhất là các địa phương có thế mạnh về du lịch, như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh, BR-VT, Cần Thơ, Cà Mau… đã và đang ra sức triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung vào việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch, củng cố và phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến, phát triển nguồn nhân lực và cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đột phá để du lịch phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường.

So với mục tiêu các năm trước, các chỉ tiêu thực hiện trong năm 2019 tăng cao hơn, cả về quy mô và mức độ yêu cầu cần thiết phải nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch (DVDL) nhằm thu hút du khách. Chúng ta có cơ sở để tin rằng ngành du lịch cả nước nói chung và của các địa phương có thế mạnh về du lịch nói riêng, có nhiều tiềm năng và lợi thế để vượt qua những thách thức và khó khăn. Bởi khi nhìn lại năm 2018, ngành du lịch nước ta đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng với những dấu ấn nổi bật: Đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng, chiếm 7,8% GDP của cả nước. Năm 2018, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 6/10 quốc gia có mức tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới, tăng 3 bậc so với năm 2017.

Tiếp nối đà tăng trưởng, ngành du lịch nước ta cần sớm triển khai đồng bộ việc thực hiện cơ cấu lại ngành theo hướng liên kết kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm và tổ chức quản lý phù hợp. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ mang tính liên ngành, liên vùng và hiệu quả, nhưng không cản trở sự phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách thị thực cởi mở để tạo điều kiện thu hút du khách từ nhiều thị trường đến Việt Nam. Đồng thời, tăng cường kết nối hàng không và tranh thủ các điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt Nam trong chuỗi giá trị du lịch toàn cầu. Tích cực hỗ trợ du khách trước trong và sau mỗi chuyến đi; kịp thời tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi đối với các yêu cầu, khiếu nại của khách du lịch. Mở rộng mô hình và triển khai ứng dụng hỗ trợ thanh toán thuận lợi trên thiết bị di động thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch tới nhiều thị trường nhằm thu hút du khách. Bên cạnh đó, cần minh bạch các thông tin về quảng cáo, kết quả bình chọn và đánh giá uy tín kinh doanh của đơn vị, lữ hành.

Uy tín và thương hiệu của các tour, tuyến du lịch thường được du khách lưu tâm tới 2 yếu tố quan trọng là chất lượng sản phẩm và chất lượng DVDL. Do đó, các nhà quản lý điểm đến, các doanh nghiệp và các đầu mối tiếp thị cần xem xét những tác động thực tế của chất lượng sản phẩm du lịch và chất lượng DVDL, bởi cả 2 yếu tố đó đều tác động trực tiếp đến việc gia tăng sự hài lòng của du khách. Như lời Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, năm 2019, ngành du lịch Việt Nam cần đạt được chỉ tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh việc thực hiện đề án của Chính phủ phê duyệt, ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến quảng bá. Tập trung vào các thị trường trọng điểm để tiếp tục thu hút thêm lượng khách từ những thị trường này, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ, lưu trú, lữ hành, nhằm tạo những ấn tượng tốt về du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế.

HOÀNG LÊ

;
.