Phát triển tổ chức Đảng trong kinh tế tư nhân

Thứ Hai, 15/04/2019, 16:05 [GMT+7]
In bài này
.

Trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng khó có thể chỉ dựa vào các nguồn lực tài chính công trong điều kiện ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn trong cân đối và nợ công cao. Do đó, việc huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Nghị quyết Hội nghị TW 5 (khóa XII) cũng đã xác định, phát triển KTTN lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN.

Với sự nỗ lực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và các địa phương trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho KTTN phát triển, nên đã đạt được những kết quả nhất định và đi vào thực chất. Một trong những yếu tố tạo ra sự bứt phá của khu vực KTTN là năng suất lao động, nhờ lực lượng lao động dồi dào, dễ thích nghi với nền sản xuất mới, công nghệ mới để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hoạt động của các đoàn thể nhân dân trong các DNTN và công tác xây dựng Đảng trong khu vực này bước đầu có chuyển biến tích cực. Nhiều tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DNTN đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình; nỗ lực góp phần vào sự ổn định và phát triển của DN. Đảng viên trong các DNTN đã tham gia nhiều hoạt động thiết thực tại đơn vị và phát huy được vai trò gương mẫu giúp chủ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ DN và người lao động trong việc thực hiện các chế độ thu nhập, bảo hiểm y tế, xã hội…

Thực tế cho thấy, mặc dù DNTN ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và quy mô, nhưng “khoảng trống” về tổ chức Đảng, đoàn thể và đảng viên trong khu vực này vẫn khó được lấp đầy. Trở ngại lớn nhất là do các chủ DNTN không “mặn mà” và chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng, đoàn thể đối với DN. Nhiều chủ DNTN vẫn còn tâm lý né tránh việc thành lập chi bộ, công đoàn. Về phía người lao động trong DN khu vực ngoài nhà nước vẫn còn mang nặng tư tưởng lo sợ bị ảnh hưởng tới thời gian làm việc, năng suất lao động và thu nhập khi tham gia sinh hoạt Đảng, đoàn thể. Nhìn chung, tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DNTN chưa thực sự là cầu nối gắn bó thường xuyên giữa người lao động với chủ DN; chưa là chỗ dựa tin cậy, chưa có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể vào sự phát triển và ổn định của DN.

Còn tồn tại những hạn chế, yếu kém nêu trên là do không ít cấp ủy còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện hoặc phương pháp, cách hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng còn cứng nhắc, chưa phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của từng loại hình DN. Nhận thức của không ít cấp ủy còn chưa theo kịp tình hình và thiếu sự sâu sát, sáng tạo. Các quy định, quy chế hướng dẫn xây dựng tổ chức Đảng thiếu đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc thù của đơn vị KTTN.

Nhằm tăng cường phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong khu vực kinh tế DNTN, vừa qua, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị KTTN. Chỉ thị nêu rõ: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các đơn vị KTTN. Tiến hành rà soát, nắm chắc số lượng, đánh giá kỹ thực trạng , đề ra giải pháp để củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng. Thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; về vai trò, vị trí cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể trong đơn vị KTTN.

HOÀNG LÊ

 
;
.