Nhà vệ sinh công cộng, chuyện không nhỏ!

Thứ Sáu, 12/04/2019, 07:22 [GMT+7]
In bài này
.

Khi đề cập đến nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), không ít người cho là chuyện nhỏ. Hồi tháng 11-2018, khi báo chí đưa tin Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (VN) được thành lập, nhiều người đã lấy đó làm chủ đề để chế giễu và cười cợt. Theo chia sẻ của ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh VN, những người này đã cắc cớ hỏi ông sao lại thành lập cái hội mang tên nghe “mất vệ sinh” như thế, thậm chí có người còn bảo ông… khùng, không giống ai!

NVSCC không hề là chuyện nhỏ! Các chuyên gia môi trường quả quyết, nếu làm một cuộc thăm dò công trình công cộng nào gây bức xúc nhất cho người dân và du khách, cần một “cuộc cách mạng” để thay đổi thì chắc chắn đó là… NVSCC. 

Trong khi tại nhiều nước phát triển, NVSCC-còn gọi là toilet công cộng, được chăm chút đầu tư tương xứng cả về số lượng và chất lượng, coi đó là chuẩn mực của văn minh, sản phẩm của văn hóa du lịch thì ở nước ta, NVSCC phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và du khách mãi cho đến gần đây mới được chú trọng. Dầu vậy, tại nhiều đô thị, NVSCC vẫn đang trong tình trạng vừa thiếu về số lượng vừa nhếch nhác, mất vệ sinh, trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người khi cần “trút bầu tâm sự”. 

Tại thành phố biển Vũng Tàu, hồi cuối năm 2018 khi hệ thống NVSCC thông minh được lắp đặt và đưa vào sử dụng tại một số tuyến đường phố, công viên, khu vực công cộng, người dân và du khách không chỉ ngạc nhiên với những tính năng thông minh mà còn thích thú bởi sự sạch sẽ, thân thiện với môi trường do các NVSCC này mang lại. Thế nhưng, sau một thời gian sử dụng, những NVSCC thông minh ấy tuy vẫn còn mới, đẹp, bắt mắt nhưng đã bắt đầu bẩn và có mùi mà nguyên nhân là do một bộ phận người dân và du khách thiếu ý thức giữ vệ sinh chung mặc dù công nhân vệ sinh đã cố gắng liên tục dọn dẹp mỗi ngày. Ở đây, ý kiến của một cán bộ Công ty CP Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu rất đáng được chia sẻ “một nhà vệ sinh dù có hiện đại, tiện ích đến mấy cũng không tài nào sạch nổi trước ý thức kém cỏi của người sử dụng!”.

Hệ thống NVSCC ở nhiều đô thị khác, ngay cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng ở trong tình trạng tương tự. Có nhiều lý do để người dân và du khách không dám bước vào NVSCC dù hết sức có nhu cầu: Thiếu nước, thiếu giấy vệ sinh, bồn cầu dơ bẩn, hoen ố, mùi hôi nồng nặc. Nguyên nhân do phần lớn người sử dụng không có ý thức giữ vệ sinh chung. Nhiều người sau khi đi vệ sinh đã xả giấy bừa bãi xuống sàn, “quên” xả nước khiến nhân công phải dọn dẹp, lau chùi rất vất vả. 

Khi mà lực lượng giám sát, xử phạt còn mỏng, người thiếu ý thức giữ vệ sinh chung lại không ít tất yếu sẽ dẫn đến sự nhếch nhác, xuống cấp, tạo nên vòng xoáy khuếch đại tiêu cực của NVSCC: đã bẩn lại càng bẩn, khiến người dùng sau khi cần “trút bầu tâm sự” ngán ngại, không dám vào. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng ông rất trăn trở về 6 nỗi sợ của du khách nước ngoài khi đến Việt Nam và NVS là một trong số đó. Đây không chỉ là vấn đề du lịch, mà là nếp sống, là văn hóa mà chúng ta phải xây dựng, điều chỉnh. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt cũng bày tỏ lo lắng “NVSCC ở nước ta thực sự là một vấn nạn về văn hóa. Du lịch sẽ không thể cất cánh nếu hệ thống NVSCC cứ tiếp tục “khủng bố” tinh thần du khách mọi lúc mọi nơi như hiện nay”. 

Không hề quá lời khi nói rằng NVSCC là thước đo văn minh, “tấm gương” phản chiếu văn hóa ứng xử, năng lực tổ chức cuộc sống của một cộng đồng. Hiểu theo nghĩa đó, câu chuyện quản lý và “vận hành” NVSCC không hề là chuyện nhỏ trong sự phát triển đi lên của một xã hội, lớn hơn là một quốc gia. 

Để NVSCC không trở thành nỗi ám ảnh của người dân và du khách, hơn nữa còn khiến họ cảm thấy an tâm và thoải mái khi bước vào, có nhiều việc phải làm. Trước hết là hình thành ý thức giữ vệ sinh chung cho người sử dụng. Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh phải được nhắc nhở, giáo dục để ý thức được rằng mình cần giữ sạch sẽ để người tiếp theo sẵn sàng sử dụng. Tất nhiên, đi đôi với nhắc nhở, giáo dục thì biện pháp xử phạt cũng rất cần thiết nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản trong hành vi lối sống, trong tư duy nhận thức của mỗi người dân. Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có. 

Nếu việc triển khai xử phạt được tiến hành thường xuyên, quyết liệt thì những người thiếu ý thức giữ gìn NVSCC sẽ phải sợ mà hành xử văn minh hơn, khi ấy NVSCC không còn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.