Khởi nghiệp cho người già, tại sao không?

Thứ Sáu, 19/04/2019, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung mới đây đã đề cập đến một vấn đề được coi là khá lạ khi “đặt hàng” Cục Bảo trợ xã hội (trực thuộc Bộ LĐTBXH) nghiên cứu vấn đề khởi nghiệp cho người cao tuổi. Bộ trưởng cho rằng, khi đối mặt với già hóa dân số, lực lượng lớn người cao tuổi nếu không biết tận dụng chất xám và năng lực của họ sẽ rất phí. 

Trong khi đó, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo không tới 20 năm nữa tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số; thậm chí đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số, một tốc độ thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo đảm hạ tầng an sinh xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, và hiện còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo... 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc “đặt hàng” nghiên cứu vấn đề khởi nghiệp cho người già là thực sự nghiêm túc. “Đây là nói vấn đề chiến lược đấy. Câu chuyện này tưởng tôi nói đùa, nhưng đấy thực sự là tầm suy nghĩ dài, vì tuổi thọ ngày càng cao”, Bộ trưởng khẳng định. 

Trên thực tế, không ít người cao tuổi khởi nghiệp và thành công, nhiều người cao tuổi vẫn hàng ngày cống hiến không mệt mỏi trong nhiều lĩnh vực của đời sống, kể cả tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, là người có uy tín trong cộng đồng. Thống kê của Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, khoảng 46% người cao tuổi Việt Nam vẫn đang làm các công việc được trả lương.

Khởi nghiệp cho người già, đúng là một ý tưởng mới lạ, nhưng đó được coi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe trong xu hướng già hóa dân số hiện nay. Trên thế giới, Nhật Bản là một trong những điển hình của khởi nghiệp ở người già, với việc những người ở độ tuổi nghỉ hưu bắt đầu cho công việc sản xuất, kinh doanh của mình và nhiều người trong số đó đã thành công. Ở Nhật, người già vẫn lao động, làm việc bình thường, thậm chí, một số công việc được giới trẻ ở đất nước này “nhường hẳn” cho người già như lái taxi, hay một số công việc khác phù hợp ở cả nông trại, nhà máy đến văn phòng. 

Cách đây không lâu, tôi ghé thăm một nông trại của lão nông tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. Ông bắt đầu gầy dựng trang trại của mình khi đã ngoài 60 tuổi, ông nói đùa lúc ấy mới là “tỷ phú thời gian”. Ban đầu chỉ là khoảnh vườn với những gốc mít giống mới trĩu quả, tiếp đến là vườn dừa cũng sai trĩu quả và mở rộng thêm các loại cây có múi khác như bưởi da xanh, quýt đường… Cả một vườn cây rộng đến 5ha, có ao thả cá xen lẫn để lấy nước tưới, lại tạo cảnh quan cho trang trại. Dưới bóng các tàng cây xum xuê, xanh mát là từng đàn gà thả vườn. Lão nông cho biết, mỗi năm ông thu được vài ba trăm triệu từ trang trại với 6 loại cây ăn trái và gia cầm. Được thỏa niềm đam mê vui thú điền viên của cả một thời tuổi trẻ không có điều kiện để làm việc mình thích và lão nông chẳng hề thấy mệt nhọc khi lọ mọ với vườn cây ao cá của mình. Ông còn tạo việc làm thời vụ cho không ít thanh niên khác trong làng. 

Một chủ nhà hàng mà tôi từng tiếp xúc, cũng ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn tham gia quản lý, điều hành cơ ngơi mà ông gầy dựng. Ông trực tiếp quan sát, điều hành nhân viên của mình khi nhà hàng có lượng khách lớn, để bảo đảm khâu phục vụ không sơ suất. Nhà hàng của ông vì thế mà có uy tín, luôn rất đông khách và ngày càng mở rộng quy mô. Ông còn tham gia nhiều hoạt động khác, hỗ trợ công tác an sinh xã hội ở địa phương và lúc nào trông ông cũng tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết. Ông cho rằng, người già vẫn cần lao động để thấy mình có ích và vì thế mà khỏe mạnh hơn, tất nhiên là tùy theo sức khỏe của mỗi người để lựa chọn công việc phù hợp. Ông cũng cho rằng, việc khởi nghiệp ở người già là có thể và nên khuyến khích, cũng như có chính sách phù hợp khi tuổi thọ của người Việt đang ngày càng cao. 

Trên thực tế, tại Bà Rịa-Vũng Tàu có thể điểm tên không ít những người già vẫn làm kinh tế giỏi, hàng năm có thu nhập tính đến hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tất nhiên rằng, xung quanh người già còn cần có sự trợ giúp của con cháu, nhưng “gừng càng già càng cay” và người già với vốn tích lũy từ kinh nghiệm sống của mình dường như dễ thành công hơn. Và vì thế, ý tưởng của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH là khả thi. Tuy nhiên, để người cao tuổi tiếp tục phát huy năng lực của mình, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý cần phải tạo thuận lợi cho người cao tuổi trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp.

SƠN TRÀ

 
;
.