Chung tay xây dựng thương hiệu doanh nghiệp

Thứ Tư, 17/04/2019, 18:27 [GMT+7]
In bài này
.

Hướng tới kỷ niệm 11 năm “Ngày Thương hiệu Việt Nam 20-4”, Bộ Công thương đã tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam vào ngày 17-4 vừa qua. Thông tin từ diễn đàn này cho biết: Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được triển khai từ năm 2003. Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ, được triển khai với mục đích xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô; tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. 

Trong 10 năm qua, số lượng DN được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia tăng đều qua các năm, từ 30 DN năm 2008 lên 97 DN vào năm 2018. Trong đó, có các thương hiệu của một số DN có cơ sở sản xuất ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như: Đạm Phú Mỹ, dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC, khí hóa lỏng PV GAS… 

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều sản phẩm hàng hóa của các DN thuộc tỉnh đã và đang tạo dựng được niềm tin của thị trường. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của DN thực hiện xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các nước khu vực Châu Á, Châu Âu và Mỹ, như: các sản phẩm hải sản thương hiệu Baseafood của Công ty CP Chế biến XNK thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu; các sản phẩm cà phê mang thương hiệu “Nón Lá” của Công ty TNHH SX và XNK Nón Lá (TX. Phú Mỹ); các sản phẩm tiêu đỏ, tiêu xanh của HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc); sản phẩm “Mực một nắng Côn Đảo” và “Cá thu một nắng Côn Đảo”…  

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các chương trình hỗ trợ DN phát triển, tạo dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh, như Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Cùng với đó, hành lang pháp lý về bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu của DN… cũng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung ngày càng hoàn thiện, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, vấn đề xây dựng thương hiệu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với DN Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, DN cần thay đổi tư duy về quản trị giá trị thương hiệu, coi thương hiệu là là tài sản giá trị nhất của DN. Theo đó, chú trọng sự cân bằng giữa truyền thông tiếp thị sản phẩm đơn lẻ và truyền thông thương hiệu tổng thể; thay đổi quan hệ khách hàng theo phương thức truyền thống bằng các hình thức trải nghiệm khách hàng thực tế, để có chiến lược xây dựng thương hiệu phù hợp. 

Mặt khác, DN cũng rất cần tới sự chung tay, hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng trong cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế bảo hộ thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối giao thương…) để các DN thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và quảng bá thương hiệu.

NHỰT THANH

 

;
.