Làm gì để người Việt cao hơn?

Chủ Nhật, 31/03/2019, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố một thống kê cho thấy, thể trạng của người Việt chúng ta kém xa so với các nước trong khu vực không những về chiều cao, cân nặng mà cả về tố chất thể lực, sức bền. 

Thống kê cho biết chiều cao trung bình của nam và nữ thanh niên Việt Nam hiện đang thấp hơn chiều cao trung bình một số nước châu Á từ 8-10cm. Trong 30 năm qua, người Việt Nam có cao lên nhưng rất ít, 10 năm chỉ cao thêm được 1cm. 

Bóng đá, lĩnh vực đòi hỏi các cầu thủ to khỏe, có chiều cao. Thế nhưng tại Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam cũng chỉ sở hữu chiều cao trung bình “khiêm tốn” 1,75m trong khi chiều cao trung bình của các đội bóng trong khu vực lên tới 1,79m. 

Đi tìm nguyên nhân, dễ nhận ra rằng tăng trưởng thể lực của người Việt Nam bị hạn chế do trong một thời gian dài thiếu dinh dưỡng và rèn luyện thể chất chưa trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi con người. Một nguyên nhân khác làm cho người Việt Nam đến nay vẫn còn nhỏ bé là do không ít người dân thiếu kiến thức cơ bản về chăm sóc, nâng cao sức khỏe. 

Để nâng cao thể lực, tầm vóc và sức khỏe cho người dân, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng với nội dung bảo đảm dinh dưỡng để hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thế chất, trí tuệ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để thực hiện mục tiêu này, ngành giáo dục đã quy định giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong nhà trường, mỗi tuần tối thiểu hai tiết thể dục cho tất cả các cấp học. Khi xây dựng chương trình, ngành giáo dục hy vọng rằng việc đầu tư, nâng cao sức khỏe của lứa tuổi học đường sẽ góp phần cải thiện được thể chất, giống nòi, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh trong nhà trường, bảo đảm nguồn nhân lực cho công cuộc phát triển. Thế nhưng nhiều trường học lại không có sân chơi và nhà tập cho học sinh. Ngay cả những trường xây dựng mới cũng không chú trọng đến các hạng mục này. 

Muốn nâng chất lượng giáo dục thể chất thì đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng. Trên thực tế, đội ngũ giáo viên dạy thể dục rất thiếu, đặc biệt ở bậc tiểu học. Ở nhiều trường giáo viên chủ nhiệm thường kiêm luôn việc dạy thể dục. Mặt khác, quan niệm của không ít nhà quản lý giáo dục ở cơ sở vẫn chú trọng đến mục tiêu làm thế nào để kiến thức văn hóa học sinh vững, còn học sinh có thể không tốt lắm về thể chất. Chính việc không coi trọng môn giáo dục thể chất đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực khác: Chương trình dạy bị cắt xén, mang tính hình thức, lượng vận động quá ít, không hấp dẫn khiến học sinh không thích học. Ngay từ những năm đầu, học sinh của chúng ta đã không được giáo dục thể chất một cách có hệ thống như vậy, dạy “cho có” chứ không nhằm chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho học sinh, thì làm sao có được những thanh niên to khỏe ở cấp học cao hơn?

Ở khía cạnh gia đình, do kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh đã không thể bảo đảm đủ dinh dưỡng cho con em mình. Sữa - thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc tăng chiều cao trẻ em thì giá lại quá cao, trở thành món hàng xa xỉ đối với người nghèo. Mong ước nuôi con to khỏe bằng sữa của nhiều bậc cha mẹ do vậy lại càng khó thành hiện thực.  

Thật khó đạt được những mức chuẩn mà Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đã đề ra nếu môn giáo dục thể chất trong nhà trường được giảng dạy theo lối cũ, với tuy duy cũ, rằng đó “chỉ là một môn học phụ”. Vì vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn, bảo đảm đủ lượng giáo viên dạy môn thể dục cho các trường, ở bậc tiểu học cần đẩy mạnh “Chương trình sữa học đường”, đưa thêm vào chương trình giáo dục thể chất môn sức khỏe và ở bậc trung học cơ sở những kiến thức về sức khỏe được lồng ghép trong nhiều môn học. 

Đã đến lúc phải có những chính sách và giải pháp mang tầm quốc gia giúp người dân cải thiện bữa ăn. Phải thông tin để mọi người dân có đủ kiến thức về mặt dinh dưỡng, ăn như thế nào để đủ và không thừa. Cũng phải tính đến việc xây dựng luật phát triển dinh dưỡng hoặc một luật có nội dung tương tự, qua đó hoạch định và thực thi các chính sách dinh dưỡng hiệu quả qua các chương trình nông nghiệp, bữa ăn học đường - như một số nước trong khu vực đã làm. 

Chỉ khi triển khai đồng bộ các giải pháp về dinh dưỡng, giáo dục thể chất, rèn luyện thể lực, Việt Nam mới có thể có một thế hệ thanh niên cường tráng, “có chiều cao trung bình 1,65m” như Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam mong muốn. 

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.