Khác nhau cách làm

Thứ Tư, 06/03/2019, 18:16 [GMT+7]
In bài này
.

Không gian 500m2 với khoảng 30 gian hàng nông sản - đặc sản sạch các vùng miền tại Trung tâm Dịch vụ thương mại thuộc Văn phòng Bộ NN-PTNT(135A, Pasteur, TP.Hồ Chí Minh) tấp nập khách thăm, mua sắm. Có người dân địa phương, có khách du lịch và có cả những người khách nước ngoài tình cờ đi ngang qua. 

Phiên chợ xanh tử tế chỉ mở cửa trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, với các mặt hàng được quảng bá là nông sản an toàn, nguồn gốc rõ ràng, thân thiện môi trường. Đó là những gói cải xà lách dún, bó cải thìa, bó rau ngồng, các loại nấm, tinh dầu xua muỗi… đến từ các công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ vùng ngoại ô TP.Hồ Chí Minh, từ Khu thực nghiệm và sản xuất của Trường Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh và từ rất nhiều công ty, nông trại rau Lâm Đồng... Các sản phẩm được giới thiệu là rau canh tác hữu cơ “6 Không”: Không thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, Không phân hóa học, Không thuốc kích thích tăng trưởng, Không trồng trên đất nhiễm hóa chất nông nghiệp, Không chất bảo quản, Không sử dụng giống biến đổi gien. 

Phiên chợ còn đa dạng các sản phẩm nhờ những gói hạt điều, những gói cà phê hạt đến từ nông trang sạch Đắc Lắc, những chai mật ong rừng Cà Mau, nho đỏ khô không hạt Bình Thuận, sữa dê tươi Hậu Giang, tôm cá khô miệt Đồng Tháp, các loại mắm đặc sản truyền thống Châu Đốc, kẹo mứt từ dừa Bến Tre… Trong khuôn viên Phiên chợ còn bố trí quầy phân tích tạp chất, kiểm định chất lượng các mẫu sản phẩm của mọi gian hàng trước khi bày bán và test nhanh bất kỳ sản phẩm nào theo yêu cầu của khách mua. Điều thú vị là không khí của Phiên chợ có vẻ như là không nặng về phần mua bán và doanh thu. Mà giữa người mua và kẻ bán luôn có những câu chuyện trao đổi rất khoan thai, chậm rãi về cách gieo trồng, chế biến, đóng gói, bảo quản không thuốc với tất cả các phương pháp để sản phẩm bày bán đạt được khá nhiều tiêu chuẩn như vậy. Người bán không đơn thuần là người cân kéo và thu tiền, mà là người giới thiệu và cung cấp các thông tin sống động về quy trình sản xuất, về xây dựng thương hiệu và con đường phát triển của đơn vị mình trong tương lai. Các brochure với nhiều hình ảnh sinh động, thông tin chi tiết được phát đến tận tay khách mua. Nguời bán còn nhanh nhẹn giới thiệu trang web của cơ sở nuôi trồng, sản xuất để khách cùng tham khảo, cùng chia sẻ như cách nói của anh chủ trẻ Gmilk: “Tôi tham vọng về một sự kết nối và quảng bá sản phẩm hơn là việc bán vài chục chai sữa. Bởi những sản phẩm sạch giúp cải thiện tình trạng sức khỏe cho mọi gia đình, nhưng trước hết phải làm được việc quan trọng là thay đổi nhận thức người tiêu dùng trong việc tăng hiểu biết về sản phẩm sạch và quy trình sản xuất, cách sử dụng và quyết tâm chọn lựa cho mình, cho gia đình sản phẩm có lợi cho sức khỏe”. Điều đó cũng được xác nhận lại một lần nữa qua cách sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường của các quầy hàng; qua cách tặng quà cho các khách hàng mang theo các loại túi thân thiện với môi trường khi tham gia Phiên chợ. 

Sau Phiên chợ, một người khách thích vào bếp, thích mua sắm là tôi - tất nhiên cũng đã “tay xách nách mang” khi ra về với khá nhiều món hàng khả dụng. Nhưng trong tôi dậy lên một niềm ao ước, có thể có nhiều những Phiên chợ, những gian hàng như vậy tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một vùng đất có khá nhiều đặc sản biển, các sản phẩm đạt chuẩn đang ngày càng dồi dào từ các nông trại đang hướng đến quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn “6 không”. Bà Rịa – Vũng Tàu, vùng đất đón gần 13 triệu lượt người mỗi năm cũng không thể bỏ qua một cơ hội quảng bá thương hiệu Việt và làm giàu thêm sản phẩm du lịch với một mô hình Phiên chợ xanh tử tế thật đơn giản mà giá trị biết bao nhiêu. Ưu tiên bố trí các gian hàng sạch ở chợ, đưa rau sạch, thịt cá sạch vào siêu thị, đưa hàng Việt về nông thôn… Tất cả đều đã được thử nghiệm và có những thành công nhất định. Nhưng thêm một Phiên chợ xanh tử tế như cách làm của TP.Hồ Chí Minh là rất cần. Đây chính là cách tạo thêm một kênh quảng bá và hỗ trợ cơ sở sản xuất, hỗ trợ người tiêu dùng, mở ra một lối đi mới để cùng hiểu nhau và cùng bắt tay nhau sử dụng sản phẩm sạch mỗi ngày, trong mỗi gia đình. 

THÁI AN

 

;
.