"Không gương mẫu thì làm cán bộ để làm gì?"…

Thứ Sáu, 22/02/2019, 15:23 [GMT+7]
In bài này
.

Xin được mượn lời của một cán bộ lão thành cách mạng để đặt tiêu đề cho bài viết này khi đề cập đến việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. “Không gương mẫu thì làm cán bộ để làm gì?” được ông nhắc lại nhiều và trong lời nói ấy chứa chất bao nỗi niềm… Với một người từng trưởng thành từ kháng chiến, chứng kiến bao mất mát, hy sinh của đồng chí, đồng bào mình, cùng xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thì nỗi lòng càng bao ngổn ngang, chất chứa. Không trăn trở sao được khi trong nhiều năm trở lại đây, không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao suy thoái, biến chất.

Không ít người đã thiếu gương mẫu trong rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, chỉ lo vun vén cá nhân, xoay xở làm giàu, sống xa hoa, thậm chí có người vô trách nhiệm, vô cảm với dân, xa rời quần chúng.

“Đảng ta đang xốc lại, với nhiều quy định được ban hành, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tự soi lại mình để sửa đổi. Việc xốc lại ấy của Đảng được thể hiện rất rõ trong suốt thời gian qua, khi những cán bộ, đảng viên không gương mẫu, thoái hóa, biến chất bị xử lý, có người bị tù tội, có người bị kiểm điểm, khiển trách, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý một cách công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật. Tuy rất “đau” đối với Đảng vì trong số đó có cả những vị cán bộ lãnh đạo cấp cao, chủ chốt, nhưng là việc đáng phải làm bởi trước pháp luật mọi người đều bình đẳng như nhau thì không có lý gì đảng viên có ngoại lệ”, vị cán bộ lão thành nói. 

Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được đề cập từ lâu và đề cập nhiều lần trong các nghị quyết, quy định của Đảng. Nhưng có lẽ chưa bao giờ việc đề cao trách nhiệm nêu gương lại được đặt ra mạnh mẽ, quyết liệt như những năm gần đây. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí...”. Đến Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng khẳng định: Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường... Chính vì vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược là yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của Đảng. 

Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Trước đó, ngày 7-6-2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị cũng có Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhằm giữ gìn hình ảnh, uy tín của Đảng. Như vậy, chúng ta hiện có 3 quy định phát huy hiệu lực, bao quát tất cả các đối tượng, điều chỉnh từ cán bộ cao cấp nhất đến từng đảng viên cơ sở.

Việc đảng viên phải gương mẫu, phải chỉn chu trong tư tưởng, đạo đức, hành động từ việc nhỏ đến việc to là vô cùng cần thiết, không chỉ để chỉnh đốn Đảng mà còn để nhân dân tin, noi gương mà làm theo. Bác Hồ từng nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Và theo Bác: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bởi vì “lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ nói miệng mà phải bằng hành động, việc làm và không đòi hỏi phải là việc lớn, việc to tát mà là từ từng việc nhỏ trong cuộc sống, trong công việc của mỗi người từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực để luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình ở từng việc nhỏ nhất. Mỗi cán bộ, đảng viên vì thế cần thấm nhuần và làm theo lời Bác dạy: “Muốn hướng dẫn nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải làm trước cho mọi người bắt chước. Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở, phải thực sự gương mẫu cho dân tin, dân theo”. 

TRUNG HIẾU

 

;
.