"Cuối năm, bớt nhậu..."

Thứ Sáu, 04/01/2019, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

“Không say, không về”, đó là lời nhắn nhủ của chủ một tiệc nhậu mà tôi vừa được mời liên hoan tổng kết cuối năm. Vâng, “không say, không về”, câu nói cửa miệng quá quen thuộc ở những bữa tiệc vui nhộn, bởi ở tiệc nhậu ấy ai cũng hân hoan cho một năm vừa kết thúc với những kết quả như mong đợi và để khởi đầu cho một năm mới tốt đẹp thì tại sao không hết mình?

Đấy là ở cơ quan, ở nhà, ở khu phố cũng đang bước vào “mùa nhậu” cuối năm. Chia tay năm cũ bằng những buổi sum họp, gặp mặt bà con lối xóm, anh em, bạn bè thân hữu, bạn học cùng lớp, cùng khóa, cùng trường… đương nhiên phải có tý rượu bia thì mới “xôm”. 

Đành rằng, dịp cuối năm, việc tổ chức liên hoan cũng rất cần thiết để thắt chặt mối quan hệ trong tập thể, cũng là cơ hội để gặp gỡ những người đã nghỉ hưu hay bạn bè, đối tác. Tuy nhiên, trong những buổi liên hoan ấy rất nên hạn chế rượu bia, tránh tình trạng lãng phí hay quá chén có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường. 

Ai cũng biết tác hại của rượu bia, thậm chí là thuộc lòng khi nói rằng, rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tàn phá gan nhanh chóng và hậu quả của quá chén đôi khi là đánh đổi cả sinh mạng, danh dự, hạnh phúc gia đình và nhiều thứ khác không gọi thành tên. Thế nhưng, để từ chối rượu bia lại không phải dễ, nhất là đối với thói quen của người Việt thường thông qua những cuộc nhậu để thể hiện tình cảm thân thiết. Ai gặp nhau cũng để lại lời mời “hôm nào nhậu nhé” và khi nhậu thì cứ phải cạn ly, “nhậu tới bến” mới là “thật lòng” với nhau. 

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Bộ Y tế trình Quốc hội và đã làm "nóng" nghị trường với những luồng ý kiến trái chiều, trong đó có ý kiến cho rằng, hạn chế rượu bia sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trước đó, tại Kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã cam kết đặt mục tiêu giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; Giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030. Việc đạt được các mục tiêu trên là rất khó khăn nếu không có một hành lang pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy khó, nhưng không có nghĩa là không thể, bởi kinh nghiệm cho thấy, ở những việc tương tự như cấm nổ pháo trong dịp lễ, tết đã thành công; tiếp đến là việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng thành công theo cách ấy. Cơ bản là chúng ta cần phải có quy định rõ ràng, cấm thế nào, cấm hành vi gì và đẩy mạnh thực hiện các chế tài ấy một cách nghiêm túc. Kinh nghiệm đó có thể áp dụng cho hạn chế sử dụng rượu bia. 

Trên thực tế, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định khá chi tiết về sản xuất, kinh doanh rượu bia. Chúng ta cũng đã có chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh rượu, trong đó ai bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nhưng vấn đề ở đây lại là các chế tài đó không được thực thi một cách nghiêm túc.

Chúng ta cũng có thể học hỏi cách giảm thiểu tình trạng rượu bia, điều chỉnh hành vi “tới bến” bằng cách tăng thuế các mặt hàng này cao lên nhiều lần giống như ở một số nước nhằm giảm lượng tiêu thụ. Chúng ta cũng có thể khoanh vùng lại các sản phẩm với nồng độ cồn cao được bán đại trà trong các siêu thị, các cửa hàng, các quán ăn, khách sạn... Nơi nào có giấy phép đặc biệt mới được bán rượu nồng độ cồn cao. Đồng thời, giống như với thuốc lá, có quy định rõ ràng những địa điểm tuyệt đối không được bán hoặc sử dụng rượu bia như trường học, công sở, bệnh viện, các địa điểm công cộng, địa điểm tôn giáo... Và có biện pháp giám sát, thực hiện xử phạt hiệu quả những vi phạm này. 

Việc cân nhắc giữa lợi ích kinh tế khi hạn chế rượu bia với những tổn hại do rượu bia gây ra là cần thiết, nhưng chúng ta nên lựa chọn cái có lợi hơn cho cộng đồng và mỗi cá nhân, giống như với việc đốt pháo hay đội mũ bảo hiểm vậy! Và không gì là không thể nếu chúng ta siết chặt các khâu quản lý, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi cả nhận thức lẫn hành vi trong sử dụng rượu bia. 

SƠN TRÀ

;
.