Nhận thức đúng sẽ có hành động hay

Thứ Tư, 12/12/2018, 17:58 [GMT+7]
In bài này
.

Trong suốt tuần vừa qua, vào mỗi buổi sáng, cư dân Côn Đảo và du khách đến với huyện đảo xinh đẹp này đều tỏ ra thích thú trước hình ảnh đoàn người đội mũ xanh, mặc đồng phục áo thun xanh ngắn tay khỏe khoắn có in logo biểu tượng ngành tài nguyên - môi trường, diễu hành trên những chiếc xe đạp vòng quanh các con đường chính của trung tâm huyện rồi tiến về phía bờ biển. Tại bờ biển, đoàn người tách ra thành các nhóm nhỏ 3-4 người, họ mang theo túi vải và đi dọc bờ biển để thu gom rác thải sinh hoạt, phế liệu, dầu vón cục trôi dạt từ ngoài khơi tấp vào bờ.

Được biết, đoàn người trên là 50 học viên của lớp bồi dưỡng kỹ năng “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp quảng bá du lịch sinh thái tại Côn Đảo”. Đây cũng là tên gọi của đề án do UBND huyện Côn Đảo tổ chức thực hiện trên địa bàn huyện, với đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Truyền thông & Sự kiện Sao Mai (TP.Vũng Tàu). Đề án được triển khai trong hai năm 2018-2019, nhằm thực hiện một chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường, kết hợp với quảng bá du lịch sinh thái trên nhiều loại hình truyền thông và tuyên truyền cho nhiều đối tượng, đặc biệt là tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên trong các khu dân cư, để duy trì mô hình tự quản bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Mặt khác, thông qua đề án này, huyện cũng sẽ xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử về “Bảo vệ môi trường du lịch sinh thái tại Côn Đảo” dành cho người dân, doanh nghiệp, du khách.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, cùng với công tác bảo tàng di tích, bảo tồn thiên nhiên thì vấn đề bảo đảm vệ sinh - môi trường ở huyện Côn Đảo luôn được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hàng năm, bờ biển của huyện đều phải đón nhận nguồn “rác đại dương” trôi dạt từ ngoài khơi vào bờ khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau. Điều đáng nói, “rác đại dương” rất đa dạng từ chai nhựa, túi nylon, vỏ đồ hộp bằng nhựa, bằng giấy… đều có in chữ nước ngoài, chứng tỏ đây là “rác ngoại” không rõ xuất xứ từ đâu, nhưng lại theo dòng hải lưu trôi dạt vào bờ biển Côn Đảo, ảnh hưởng đến vệ sinh, môi trường du lịch. Vì vậy, cùng với xử lý chất thải sinh hoạt của cư dân và cơ sở du lịch mỗi ngày, việc thu gom, xử lý “rác đại dương” cũng phải được tổ chức thường xuyên. Do đó, đề án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp quảng bá du lịch sinh thái tại Côn Đảo” được triển khai sẽ góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi sinh - môi trường của huyện.

Với cảnh quan thiên nhiên còn mang đậm nét hoang sơ, thơ mộng và hùng vĩ, Côn Đảo có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho việc phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch sinh thái xanh-sạch-đẹp. Đề án truyền thông “Bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá loại hình du lịch sinh thái” đang được triển khai tại huyện Côn Đảo được thiết lập trên cơ sở mối quan hệ nhân – quả giữa nhận thức và hành động. Bởi, xây dựng được nhận thức đúng, suy nghĩ tốt sẽ dẫn đến hành động hay, việc làm đẹp. Theo đó, đề án này là chuỗi hoạt động truyền thông nhằm tạo bước đột phá nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, hình thành nên cách ứng xử phù hợp của mỗi cá nhân, tổ chức trong các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi sinh – môi trường, phục vụ cho đời sống người dân và phát triển du lịch ở Côn Đảo. 

Trên địa bàn tỉnh, ngoài Côn Đảo thì còn nhiều nơi cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Do vậy, các địa phương cần xây dựng chiến lược về truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng để làm thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên, với môi trường. Đây là cơ sở bền vững để tạo dựng nên các khu du lịch xanh-sạch-đẹp, thu hút du khách đến với Bà Rịa-Vũng Tàu.

NHỰT THANH

;
.