Điểm sáng ngành du lịch

Thứ Sáu, 21/12/2018, 08:57 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 19-12, du lịch Việt Nam đã chính thức đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu trong năm 2018. Lễ đón do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra trang trọng, tạo ấn tượng với du khách. 

Vị khách thứ 15 triệu là ông James Copenec, quốc tịch Mỹ, đến Việt Nam bằng đường tàu biển và cập cảng tàu quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) trên chuyến tàu Celebrity Millennium thuộc hãng tàu Royal Caribean. “Sự kiện này là tiền đề để Việt Nam phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định tại lễ đón. Riêng tại BR-VT, trong năm 2018, ngành du lịch cũng đã phục vụ 3,1 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 424 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu lưu trú đạt 2.353 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017.

Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón trên 15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Như vậy, du lịch Việt Nam đã có bước tiến dài. Chỉ sau 8 năm, lượng khách quốc tế đến nước ta đã tăng gấp 3 lần, từ 5 triệu lượt vào năm 2010 lên 10 triệu lượt năm 2016 và 15 triệu lượt trong năm 2018. Trong đó, nếu như từ năm 2013 đến 2015, lượng khách chỉ xoay quanh ngưỡng gần 8 triệu lượt thì từ 2016 đến 2018 đã liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số, khiến du lịch trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. 

Sự tăng trưởng ấn tượng của du lịch Việt Nam đã chứng tỏ rằng, hình ảnh dải đất hình chữ S đang ngày càng hấp dẫn với bạn bè quốc tế. Đó là sức hút từ những kỳ quan thiên nhiên thế giới, di tích, danh thắng nổi tiếng; từ những nét văn hóa, ẩm thực độc đáo. Nhiều khu resort, khách sạn đẳng cấp thế giới, do các tập đoàn, DN lớn triển khai được đưa vào hoạt động đã tạo sự thay đổi về chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành thương hiệu mạnh tại các điểm đến. Nhiều resort đã được trao các giải thưởng quốc tế danh giá về du lịch, do các tổ chức uy tín bình chọn. Bên cạnh đó, chính sách miễn thị thực (visa) cho một số thị trường khách du lịch châu Âu; thủ tục nhập cảnh được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian; sự nỗ lực của ngành du lịch, các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong việc tạo dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh… cũng góp phần khiến bộ mặt du lịch thay đổi, ngày càng làm hài lòng du khách. 

Tại lễ đón nói trên, ông James Copenec chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng về sự thân thiện của con người nơi đây, cũng như cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của đất nước các bạn. Vợ tôi từng nói với tôi rằng người Việt Nam luôn tươi cười và chào đón du khách nồng nhiệt. Ngày hôm nay tôi đã thấy được điều ấy”. 

Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót khi thỉnh thoảng lại xảy ra tình trạng người kinh doanh dịch vụ du lịch tìm cách lừa gạt, “chặt chém”, thậm chí là trấn lột du khách. Cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch tại nhiều điểm tham quan chưa đạt chuẩn còn phổ biến. Trình độ ngoại ngữ, trình độ tay nghề của nhân lực ngành du lịch còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ khách quốc tế. Sản phẩm du lịch nhìn chung còn nghèo nàn, địa phương nào cũng na ná nhau. Việt Nam vẫn thiếu những khu du lịch, giải trí phức hợp cao cấp, có khả năng giữ chân du khách lưu lại dài ngày…

Những điểm yếu trên đã và đang từng bước được khắc phục và cần thêm thời gian. Hy vọng rằng, sự tăng trưởng lượng khách quốc tế ấn tượng trong 3 năm gần đây, cùng sự nỗ lực của ngành du lịch, các bộ, ngành liên quan và các địa phương sẽ tạo đà để du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

NGUYỄN ĐỨC

;
.