Điều chỉnh mục tiêu "2 trong 1"

Thứ Hai, 01/10/2018, 14:45 [GMT+7]
In bài này
.

Sau những lùm xùm về gian lận thi cử năm 2018, phương án thi THPT quốc gia năm 2019 đã có những điều chỉnh bước đầu. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mới đây cho biết: Năm 2019, đề thi THPT quốc gia sẽ không phục vụ mục tiêu “2 trong 1” mà chủ yếu để đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Đề thi sẽ bám sát hơn với chương trình và chủ yếu nhằm đánh giá mức độ học vấn THPT; nhưng vẫn được tổ chức thực chất để các trường đại học, cao đẳng có căn cứ sử dụng xét tuyển hoặc sử dụng các phương thức khác.

So với cách thức tổ chức các kỳ thi trước năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” qua 4 năm thực hiện đã thu được những tín hiệu tích cực, tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh, gia đình và xã hội. Đề thi, kỳ thi và đặc biệt là kết quả thi đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện đồng thời 2 mục tiêu là công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc giảm từ hai kỳ thi chỉ còn một là bước đột phá của ngành GD-ĐT, nhưng lại chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng vì Luật Giáo dục hiện hành quy định về kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng đề thi chuẩn hóa, khi thiết kế với 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao, tạo áp lực đối với những thí sinh không có nguyện vọng học tiếp lên ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, sau những thành công bước đầu trong đổi mới thi cử, kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” đã bộc lộ nhiều “điểm yếu”. Trước hết, với căn bệnh “thành tích” vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, lại trầm trọng thêm căn bệnh nan y “phù phép” sửa đổi bài thi của thí sinh, lợi dụng công nghệ để làm sai lệch kết quả thi, với phổ điểm cao bất thường ở các địa phương vốn không nổi trội về chất lượng giáo dục. Tiêu cực tại kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” năm 2018 trong chấm thi trắc nghiệm không chỉ dừng lại ở một địa phương Hà Giang, mà lây lan sang cả ở Sơn La, Hòa Bình. Sai phạm của những cán bộ quản lý giáo dục tại các địa phương nói trên đã bị vướng vào vòng lao lý, làm giảm uy tín về vai trò của những người “cầm cân nẩy mực”. Mặt khác, tuy chưa vào mức độ trầm trọng, nhưng cũng đã có thêm những sai sót khác trong kỳ thi vừa qua, như việc thay đổi điểm phúc khảo do cán bộ chấm thi cộng nhầm điểm môn ngữ văn (tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Nam Định, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế), thay đổi điểm thi của thí sinh do nhập sai điểm môn ngữ văn (tại HĐT Sở GD&ĐT  Hậu Giang), thay đổi điểm phúc khảo do sai lỗi khi quét phiếu trả lời trắc nghiệm hoặc do định dạng phiếu trả lời trắc nghiệm không chuẩn (tại HĐT Sở GD&ĐT các tỉnh: Nam Định, Phú Yên)…

Những tiêu cực, sai sót tại kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” năm 2018 đã tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến thực chất kết quả xét tốt nghiệp THPT, tới chất lượng xét tuyển đối với các trường ĐH, CĐ và gây ra tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.

Điều chỉnh mục tiêu kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” bắt đầu từ năm học 2018-2019 là một giải pháp hợp lý của ngành GD&ĐT, nhằm từng bước chuẩn hóa quy trình thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH, CĐ. Ngày 29-9, tại TP.Vũng Tàu, trao đổi với các phóng viên theo dõi ngành giáo dục, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nêu rõ: Đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được thiết kế nhằm đánh giá mức độ học vấn phổ thông, gồm các câu hỏi mức độ cơ bản và một số câu hỏi có tác dụng phân hóa. Kỳ thi xét tốt nghiệp sẽ được xây dựng với nội dung đổi mới theo hướng giảm áp lực, tốn kém, nhưng bảo đảm độ trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh đại học.

Cùng với việc trong tháng 10 này, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư về chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, song song với việc thẩm định các loại ấn phẩm sách giáo khoa xuất bản ra thị trường. Đây là những cơ sở quan trọng để ngành giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tiến tới chuẩn hóa các kỳ thi theo đúng quy định của Luật Giáo dục.

HOÀNG LÊ

;
.