Siết chặt tuyển sinh ngành sư phạm

Thứ Ba, 14/08/2018, 16:47 [GMT+7]
In bài này
.

Chưa bao giờ vấn đề năng lực và đạo đức người thầy lại được nói nhiều, bàn nhiều vào lúc này khi mà sức nóng của vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vẫn còn âm ỉ. Một phó giám đốc sở GD-ĐT, trưởng phó phòng khảo thí và chất lượng và mấy cán bộ nữa bị khởi tố hoặc bắt tạm giam đã khiến cho dư luận ngỡ ngàng. Không ai khác, chính những người thầy đạo mạo và khả kính trực tiếp gian lận điểm thi. Họ không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức, tư cách người thầy.

Thời gian gần đây, khá nhiều sự kiện đau lòng xảy ra trong ngành giáo dục: Thầy giáo xâm hại hàng loạt HS tiểu học (HN), thầy giáo vừa mắng chửi vừa đánh HS như kẻ thù (HN), giáo viên phạt HS bằng hình thức buộc uống nước vắt từ giẻ lau bảng (HP), cô giáo “không nói” suốt 3 tháng (TP.HCM), bị cô giáo phạt “thụt dầu” hàng trăm cái, một HS phải vào viện tâm thần!... Toàn những vụ việc chấn động mà có lẽ phải nhiều năm sau nữa, ngành giáo dục mới gây dựng lại được niềm tin của HS và toàn xã hội vào sự công bằng trong việc học, việc thi cũng như những phẩm giá cao quý của người thầy. Những vụ việc khiến nhiều người bàng hoàng tự hỏi, tại sao người làm công tác giáo dục lại có thể hành xử nhẫn tâm, phản sư phạm như thế? Tại sao những người yếu kém về nhân cách, đạo đức ấy lại trở thành thầy giáo, cô giáo, thậm chí trở thành nhà quản lý giáo dục?

Nghiêm túc xem xét sẽ thấy ngay những bất cập có hệ thống của ngành giáo dục, trong đó đầu vào thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo giáo viên không bảo đảm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng điểm chuẩn vào ĐH hiện nay chỉ xét đơn thuần về trình độ các môn học của thí sinh, cách tuyển sinh hiện nay không kiểm tra được lý tưởng nghề nghiệp của thí sinh vì dự thi vào ĐH Bách khoa, Kinh tế hay Sư phạm (Khối A) đều thi 3 môn giống nhau mặc dù mỗi trường có đặc thù riêng. Trường Sư phạm (SP) - trường đào tạo người làm nhiệm vụ “trồng người” - đáng lẽ phải đòi hỏi thí sinh về mặt đạo đức, nhân cách ở mức cao, thế nhưng, “thi” vào SP bây giờ dễ quá. Mùa tuyển sinh năm 2017, thí sinh chỉ cần đạt 3 điểm/môn là đã có thể đỗ vào các trường SP, trở thành những giáo viên trong tương lai. Những yếu tố ngoại hình, thể chất, kỹ năng… của các thí sinh đều bị bỏ qua. Trong giáo trình đào tạo hiện vẫn chưa có nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp mà chỉ lồng ghép trong học phần Quản lý hành chính Nhà nước và quản lý giáo dục đào tạo. Việc rèn luyện các kỹ năng đặc thù như diễn đạt, tranh luận, ứng xử SP chưa được quan tâm đúng mức.

Ở hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới, “đầu vào” của các trường SP rất khắt khe. Người ta kiểm tra cả 3 mặt đức dục, trí dục, thể dục (hình thể) của thí sinh. Ở vòng thi vấn đáp, giám khảo đưa ra những câu hỏi nhằm đánh giá khả năng giao tiếp, khả năng ngôn ngữ của thí sinh, lý do chọn nghề giáo. Qua đó, giám khảo cũng sẽ chấm điểm về hình thể, cách ăn mặc, phục sức. Thí sinh đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch… sẽ bị loại ngay vì một người luộm thuộm không thể là “tấm gương sáng” cho HS sau này. Thí sinh cũng phải nộp học bạ năm cuối cấp để giám khảo xem xét đạo đức như thế nào. Khi đã được tuyển chọn vào trường SP, những thầy cô giáo tương lai được giảng dạy rất kỹ về lương tâm nghề nghiệp, đạo đức của người thầy.

Mùa tuyển sinh 2018, ngưỡng điểm sàn vào các trường ĐH-CĐ và trung cấp SP lần lượt là 17, 15, 13 điểm và áp dụng cho tất cả tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi. Nghĩa là, chỉ HS có học lực giỏi mới được xét tuyển vào trường ĐHSP, còn học lực khá chỉ được xét tuyển vào các trường CĐSP. Ngoài ra, quy chế còn cho phép ngành SP mở rộng điều kiện tuyển thẳng với HS trường chuyên. Điều này cho thấy, Bộ GD&ĐT đang quyết tâm siết chặt đầu vào của ngành SP. Đây là điều đáng mừng. Vấn đề còn lại là sớm rà soát, quy hoạch mạng lưới các trường SP, đổi mới chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực SP…Có cơ chế để lựa chọn, thu hút những HS giỏi theo học ngành SP, có chế độ đãi ngộ xứng đáng để những người thầy yên tâm bám lớp, bám trường sẽ giải được bài toán nan giải: Bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành giáo dục mà năng lực, đạo đức của người thầy cũng được cải thiện, nâng cao.

HẢI LĂNG

 

;
.