Mệnh lệnh từ trái tim!

Thứ Năm, 09/08/2018, 17:55 [GMT+7]
In bài này
.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định như vậy, trong một lần cùng vui và chúc Tết Trung thu các cháu thiếu niên nhi đồng ở thủ đô. Tổng Bí thư nhắc nhở các anh chị phụ trách đội, đoàn thanh niên, các thầy cô giáo, toàn xã hội phải hết lòng chăm sóc, bảo vệ trẻ em, những mầm xanh của đất nước. Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Các em chăm ngoan, học giỏi, được chăm sóc, bảo vệ tốt thì đất nước mới trường tồn, dân tộc mới có tương lai sáng lạn!

Không ngày nào trên báo chí và mạng xã hội không thông tin và bình luận dưới nhiều góc độ khác nhau những vụ việc đau lòng liên quan đến sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ trẻ em, xảy ra gần như mọi nơi. Một số cơ sở dạy trẻ, trường mầm non ra đời không phép, hoặc có phép nhưng ít được chính quyền sở tại quan tâm, nên để xảy ra những vụ bạo hành rất đau lòng. Một số cô nuôi dạy trẻ, mẫu giáo chưa được đào tạo nghiệp vụ bài bản. Cá biệt, có cô giáo, bảo mẫu vì những lý do khác nhau mà thiếu tình thương yêu trẻ(!). Hiện nay, mỗi năm cả nước có 2.000 trẻ bị bạo lực, xâm hại được phát hiện, đến ngưỡng phải xử lý hình sự. Quả là một con số nhói lòng, rất đáng báo động; con số này có thể chưa thống kê đầy đủ, chưa phản ánh hết thực trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại. Ngoài ra, mỗi năm còn có hàng ngàn trẻ bị tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông, nhiễm bệnh và những rủi ro khác. Tỉnh BR-VT vài năm nay cũng có chuyện xâm hại trẻ em, điển hình là vụ án xảy ra ở TP.Vũng Tàu ồn ào cả nước, được nâng lên đặt xuống vài ba năm nay, do có những nhìn nhận trái chiều. Tuy mới đây vụ án đã được khép lại, bản án đã tuyên, nhưng để lại không ít tai tiếng và hệ lụy xã hội.

Các báo điện tử  ngày 7-8-2018 thông tin một sự kiện đau lòng: Một bà mẹ là bác sĩ chuyên khoa hô hấp và con gái 11 tuổi tự tay làm món trà sữa trân châu - món mà cả mẹ và con đều thích. Lúc uống trà sữa, có hạt trân châu kẹt trong ống nên bé hút mạnh và hạt đã bay thẳng vào họng làm tắc đường thở của bé. Người mẹ chứng kiến từ đầu đã cấp cứu cho con, kể cả dùng thủ thuật Heimlich, tuy nhiên tất cả đều không có tác dụng. Khi đưa vào bệnh viện, bé đã tử vong. Vụ việc này tuy không thuộc dạng bạo lực hoặc xâm hại, chỉ là tai nạn - sự rủi ro nhưng sự ra đi mãi mãi của bé có thể rút ra nhiều bài học trong việc nuôi dạy trẻ, cấp cứu cho trẻ. Bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm có trên dưới vài chục cháu bé đã bị hóc hạt trân châu tương tự được cấp cứu.

Ngày 6-8-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc - 18.000 đại biểu ở 675 điểm cầu cấp huyện, xã, phường tham dự - về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của trẻ. Trong bao bộn bề công việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan  đã dành thời gian tổ chức hội nghị bàn về một công việc cần kíp, cấp bách - không thể dừng.

Bạo lực và xâm hại trẻ là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi phi nhân tính, vô đạo đức rất đáng được cả xã hội, cộng đồng dân cư lên án, chỉ trích, cơ quan bảo vệ pháp luật nghiêm trị. Tại sao, một cơ sở dạy trẻ, cô giáo lớp mầm non; người thân có thể dang tay đánh đập trẻ tàn nhẫn, đôi khi chỉ vì lý do rất vớ vẩn: Biếng ăn? Tại sao người lớn tuổi, người thân trong gia đình lại bệnh hoạn xâm hại tình dục con trẻ nhiều lần, mà không ai biết? Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại, chỉ sau khi mạng xã hội tán phát thông tin thì sự đã rồi! Trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền cấp xã, phường, khu phố, tổ dân phố, tổ dân cư, thôn ấp, thậm chí trách nhiệm ở ngay cha mẹ của trẻ(!). Chính quyền cấp sở tại, ngay trong lòng dân mà sao khi vụ việc xảy ra, họ lại có thể ba không: Không biết, không thấy, không nghe! Trách nhiệm của họ ở đâu?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tổ chức cuộc họp trực tuyến ngày 6-8, các đầu cầu phải là từ cấp xã, phường, thôn ấp; và lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện phải có mặt để “cùng bàn thảo công việc hệ trọng với Chính phủ”, “nhằm bảo vệ nòi giống của đất nước, tương lai của dân tộc”. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, mỗi xã phường, thôn ấp, khu phố phải cử ra một người, hoặc một tập thể vài ba người, chuyên tâm, thường xuyên, sâu sát thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt để chăm sóc, bảo vệ tốt các em!

HẢI VÂN

;
.