Thất thoát tài sản công

Thứ Năm, 19/07/2018, 18:18 [GMT+7]
In bài này
.

Thất thoát tài sản công - tài sản của đất nước, của nhân dân đang là thực trạng nhức nhối, dưới nhiều góc độ. Đó chính là biểu hiện của tệ tham nhũng, lãng phí, biến của công thành của tư. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều đại biểu Quốc hội đã cảnh báo thực trạng “Thất thoát tài sản công, đất công” tại các kỳ họp Quốc hội và nhiều diễn đàn khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây ở TP.Cần Thơ: Bây giờ người ta ăn cắp tài sản công bằng mọi mánh khóe. Đây đó, công việc cổ phần hóa làm không tốt, thiếu sự chặt chẽ, không minh bạch là miếng mồi béo bở của lòng tham, biến công thành tư, thể hiện rõ nhất  khi định giá, chuyển nhượng. Rồi những thương vụ giao thương tài sản công, mua đắt, bán rẻ - thông qua sự phù phép tinh vi của những người có quyền, nắm tiền. Và thế là đất công, nhà công, tài sản công chảy vào túi riêng của nhóm người này hay nhóm người khác.

Vụ cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và vụ “Đất vàng” liên quan đến Tổng Công ty Cổ phần Rượu bia, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), theo thông tin từ cơ quan Thanh tra là những thương vụ biển thủ tài sản công chảy vào túi riêng của một nhóm người. Với cảng Quy Nhơn, Thanh tra chính phủ cho biết: Khối tài sản khổng lồ gồm 20.000m2 nhà kho, 48,000m2 bãi chứa container, 300.000m2 đất tại nhiều nhiều vị trí “vàng”  trong lòng TP.Quy Nhơn; 6 cầu tàu dài 824m có thể tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 tấn; 165 phương tiện, thiết bị; trụ sở làm việc 3 tầng lầu kiên cố, có giá trị rất lớn đã được định giá thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực. Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục làm rõ sự thất thoát tài sản công tại cảng Quy Nhơn để có biện pháp xử lý, kể cả việc thu hồi giá trị tài sản bị thất thoát.

Theo tin từ cơ quan thanh tra, kiểm toán, Sabeco đã được giao đất và trực tiếp sử dụng khu đất 6.000m2 tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. Nơi đây dự kiến xây tòa tháp đôi cao 36 và 48 tầng, khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp. Tháng 2-2016, hợp đồng thực hiện dự án giữa Sabeco với các đối tác được ký kết, Sabeco nắm giữ 26% tổng số vốn điều lệ là 567 tỷ đồng. Một năm sau, Sabeco xin thoái vốn. Tháng 6-2016, Sabeco bán hơn 14 triệu cổ phần cho chính các cổ đông sáng lập, thu về 196,64 tỷ đồng. Trong khi đó giới kinh doanh bất động sản cho rằng giá đất thị trường nơi đây không dưới 1 tỷ đồng/m2. Vậy là giá trị 6.000m2 đất vàng 4 mặt tiền trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM Sabeco thu về chưa được 30 triệu đồng/m2; sự thất thoát đất công là quá lớn(!).

Mới đây, tại TP.HCM một vụ việc lùm xùm khác về một công ty thuộc cơ quan Đảng của thành phố bán  đất công cho một công ty tư nhân với giá rất bèo, trái các quy định hiện hành. Vụ việc bị phát giác, thương vụ “mua bán lem nhem” này được ngăn chặn, một số cán bộ liên quan đã bị xử lý, tiếp tục bị xử lý kỷ luật. Ở tầm quốc gia, đó là vụ tập đoàn MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) - tương đương 9.000 tỷ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, vụ việc này làm thất thoát 7.006 tỷ đồng của Nhà nước. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến thương vụ này đã được khởi tố; các cán bộ liên quan đã và đang tiếp tục được xử lý nghiêm minh về kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trên đất nước ta có thể kể ra nhiều vụ việc thất thoát đất công tương tự. Khối lượng thất thoát tài sản công như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra là rất lớn, là thực trạng nhức nhối, gây mất lòng tin của nhân dân. Nguyên nhân của tình hình này, một phần do cơ chế quản lý quyền lực, quản lý tài sản công còn kẽ hở; sự rèn luyện phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ có chức quyền chưa tốt, miếng đất màu mỡ cho chủ nghĩa cá nhân sinh sôi nảy nở, cán bộ sinh ra hư hỏng.

Hiện nay, một số vụ việc ở một số địa phương, bộ ngành đã được phát hiện; có những vụ việc chưa được phát hiện, nhưng dấu hiệu sai phạm đã được dư luận nói tới, kể cả những vụ việc liên quan đến lực lượng vũ trang. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật đều thấy rõ và đã có Nghị quyết, chủ trương xử lý kiên quyết, nghiêm minh, không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ ai. Lò đã rất nóng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Hội nghị toàn quốc phòng chống tham nhũng vừa họp tháng 6-2018 đã chỉ ra các giải pháp, nhóm giải pháp quyết liệt, ngăn chặn tình trạng làm thất thoát tài sản công, giải pháp kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu đặc biệt được coi trọng.

Đấu tranh ngăn chặn các vụ việc làm thất thoát tài sản công, gây lãng phí và thất thoát đất công chính là đấu tranh phòng chống tham nhũng, ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân - nhóm lợi ích, ngăn chặn suy thoái đạo đức trong một số cán bộ có chức quyền. Cuộc đấu tranh này đang diễn ra quyết liệt, được nhân dân đồng tình ủng hộ mạnh mẽ, ngày càng gặt hái nhiều kết quả và thành công.

HẢI VÂN

;
.