Serie A đối mặt cuộc chiến sinh tồn

Chủ Nhật, 10/05/2020, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Khi trái bóng trên sân cỏ Serie A lăn lần gần nhất vào ngày 9/3, ở trận Sassuolo-Parma, không ít người đã dự đoán một bầu không khí u ám, buồn rầu và đầy bất trắc ở phía trước. Ba tuần không bóng đá đã qua kể từ ngày đó, và dù những niềm hy vọng vào việc nước Ý sẽ chóng vượt qua quãng thời gian khó khăn này để trở lại với cuộc sống bình thường đã nhen nhóm khi số ca dương tính đang giảm dần qua từng ngày, nhưng những nỗi lo ngại về tương lai của bóng đá Italy chưa bao giờ mất đi.

Bóng đá Italy đang trải qua những ngày cực kì khó khăn.
Bóng đá Italy đang trải qua những ngày cực kì khó khăn.

Đơn giản bởi một lẽ, kể cả khi Serie A không bị ngừng lại vì dịch bệnh thì từ nhiều năm qua, bóng đá ở đất nước hình chiếc ủng vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính đã kéo dài nhiều năm qua. Khi thời gian đang trôi qua, dịch bệnh còn chưa lên đến đỉnh và như thế, cơ hội sớm mở lại giải đấu vốn còn tới 12 vòng đấu nữa càng trở nên mong manh hơn. Một khung cảnh thời chiến đang làm các CLB sợ hãi. Nếu mùa bóng không thể kết thúc, thì tất cả các CLB đều chịu những thiệt hại nặng nề về kinh tế, khi các kênh truyền hình bóng đá trả tiền ở Italy có thể giảm hoặc cắt hẳn các khoản tiền bản quyền, vốn là khoản thu nhập chính ở các CLB, chiếm từ 70% đến 90% tổng thu của họ.

Tại Pháp, tập đoàn Canal+ đã tuyên bố không trả các CLB Ligue1 hơn 100 triệu euro. Điều tương tự có thể xảy ra ở Italy, với một số tiền lớn hơn rất nhiều, do chính các kênh truyền hình có bản quyền Serie A hiện đang không có nguồn thu. Đương nhiên, các CLB được bảo vệ bởi một số điều khoản liên quan đến tình trạng khẩn cấp, nhưng ngay cả nếu năm nay, một số đội có thể không mất nhiều các khoản thu từ truyền hình, tuy nhiên, một điều gần như chắc chắn, khoản thu từ truyền hình cho hợp đồng 3 năm tới sẽ giảm.

Thiệt hại đối với bóng đá Italy là bao nhiêu hiện chưa có con số ước đoán cụ thể (hãng kiểm toán KPMG ước đoán 650 triệu euro, trong khi hãng Deloitte ước tính 720 triệu euro), nhưng với việc các CLB bị cấm tập luyện cho đến tháng Tư, họ đã phải thực hiện một số biện pháp cơ bản nhằm giảm chi phí hoạt động. Juventus đã đạt được thỏa thuận giảm lương với các cầu thủ, tạo thành một tấm gương để các CLB khác noi theo-điều này cũng đúng thôi, họ là đội bóng chi nhiều tiền lương nhất ở Serie A, nhưng trên thực tế, tôi tin rằng, giảm lương và trông chờ vào sự tự giác chung tay cùng CLB trong giai đoạn khó khăn này của các cầu thủ là chưa đủ.

Bởi lẽ, hầu hết các CLB Italy nói chung và Serie A nói riêng từ lâu đã sống cùng với những khoản nợ và thâm hụt khổng lồ. Việc giảm ít nhất 30% lương, nếu được tất cả các CLB cùng thực hiện, sẽ giúp tiết kiệm 600 triệu euro, do đó tránh cho hàng loạt đội bóng rơi vào tình trạng phá sản. Nhưng với việc không có các khoản thu từ truyền hình và các khoản tài trợ khác, tương lai của bóng đá Italy là rất u ám. Mùa bóng trước, 20 CLB Serie A thâm hụt 292 triệu euro và trong 2,7 tỉ euro tổng doanh thu thì 1,4 tỉ đến từ các hợp đồng truyền hình, nhưng tổng số nợ của họ hiện đã là 2,5 tỉ euro và nếu mùa bóng này không thể kết thúc, số nợ sẽ còn tăng nữa.

Rất nhiều câu hỏi khó có thể trả lời vào lúc này, chẳng hạn khi nào Serie A đá lại. Nhưng câu trả lời cho cuộc khủng hoảng tài chính ở đây thì đã có rồi. Các CLB sẽ theo gương Juventus, nhưng khó khăn còn rất nhiều cho một tương lai đen tối ở phía trước, khi các CLB khó có thể giữ được các ngôi sao đã có hoặc thu hút các cầu thủ đẳng cấp cho mùa bóng tới. Dù sao như thế vẫn hơn... Nhưng có một đề nghị đã được đưa ra và đang gây ra khá nhiều tranh luận. Nhật báo La Stampa xuất bản ở Turin (nơi đặt bản doanh của Juve) đề xuất rằng, nếu mùa bóng này không thể kết thúc được, thì sẽ không trao Scudetto cho đội nào đang dẫn đầu cho tới thời điểm giải tạm dừng (Juventus) mà cho một thành phố. Đấy là Bergamo, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, với số ca tử vong cao nhất ở Italy…

ANH NGỌC

 
;
.