Sự khắc nghiệt của giải trẻ châu Á

Thứ Sáu, 17/01/2020, 21:23 [GMT+7]
In bài này
.

Một nửa đội vào đến vòng bán kết U23 châu Á 2018 phải rời giải đấu ngay từ vòng bảng. Điều đó cho thấy sự khắc nghiệt của VCK U23 châu Á 2020 nói riêng và giải trẻ cấp độ châu lục nói chung. 

Đương kim Á quân U23 Việt Nam cũng phải chia tay giải đấu từ vòng bảng.
Đương kim Á quân U23 Việt Nam cũng phải chia tay giải đấu từ vòng bảng.

Đặc thù giải trẻ

Không giống như cấp độ ĐTQG, nơi mà không có ranh giới về tuổi tác và sự ổn định được duy trì trong một giai đoạn tối thiểu từ 3-4 năm, các giải đấu trẻ từ cấp độ khu vực đến châu lục thường diễn ra với tần suất 1-2 năm/lần. Những quy định về lứa tuổi cũng khiến cho các đội tuyển tham dự không có sự ổn định như ở cấp độ ĐTQG, do phải liên tục thay đổi lực lượng nhằm đảm bảo tiêu chí về tuổi từ phía AFF, AFC hay FIFA yêu cầu. 

Tất nhiên, điều đó giúp cho các cầu thủ trẻ được trao cơ hội thể hiện mình ở những đẳng cấp, trình độ các giải đấu từ khu vực, châu lục đến thế giới. Và điều đó cũng khiến cho các giải trẻ, trong đó có VCK U23 châu Á trở nên khó đoán hơn.

Trước khi VCK U23 châu Á 2020 diễn ra, chưa một đội bóng nào có thể bảo vệ thành công chức vô địch. U23 Iraq lên ngôi năm 2013. Đến năm 2016, đến lượt U23 Nhật Bản nâng cao cúp vô địch. Hai năm trước, U23 Uzbekistan đánh bại U23 Việt Nam ở trận chung kết tại Thường Châu (Trung Quốc).

Cũng chính sự khó đoán mà U23 châu Á cũng trở nên hấp dẫn hơn. Còn nhớ 2 năm trước, chính U23 Việt Nam đã sắm vai ngựa ô và một mạch đi đến trận chung kết. 

Sự khắc nghiệt của U23 châu Á 

2 năm trước, U23 Qatar, U23 Việt Nam, U23 Uzbekistan và U23 Hàn Quốc là những đội vào vòng bán kết. Sau 2 năm với sự thay đổi nhiều về lực lượng, 2/4 đội bóng kể trên (ngoại trừ U23 Hàn Quốc, U23 Uzbekistan) đã phải dừng bước ngay từ vòng bảng.

Thậm chí, không tính U23 Hàn Quốc thi đấu thuyết phục với 3 trận toàn thắng, U23 Uzbekistan - đương kim vô địch của giải đấu cũng phải vã mồ hôi mới có thể giành vé vào vòng knock-out. Bên cạnh đó, những ứng cử viên lớn như U23 Nhật Bản, U23 Iran cũng bị loại một cách cay đắng theo kịch bản chẳng ai có thể ngờ tới được. Hay như chủ nhà U23 Thái Lan, sau chiến thắng tưng bừng ở trận ra quân với tỷ số 5-0 trước U23 Bahrain cũng hụt hơi và suýt chút nữa bị loại ở lượt cuối vòng bảng. 

Nhưng hành trình của 8 đội đi tiếp, trong đó có những U23 Uzbekistan, U23 Hàn Quốc hay U23 Thái Lan… mới chỉ đi qua một nửa. Với tính chất đấu loại trực tiếp, chẳng ai có thể chắc chắn rằng mình có thể đánh bại đối thủ trong 90 phút chính thức. Bóng đá luôn tiềm ẩn những sai số. Và chỉ cần một chi tiết trong đó thi đấu không hiệu quả thì cả cỗ máy vận hành có thể phải trả giá vì sai lầm cá nhân.

Tây Á vượt mặt Đông Á

Ở VCK U23 châu Á 2020 nói riêng, Tây Á góp mặt 9 đại diện. Đông Á có 7 đại diện. Sau vòng đấu bảng, số đội Tây Á vẫn còn tới 5. Trong khi đó, Đông Á chỉ còn 3 đội. Việc Việt Nam, Nhật Bản phải chia tay sớm khiến cho Đông Á mất đi các đại diện có chất lượng để đối đầu với những đối thủ phía Tây của châu lục.

LỊCH THI ĐẤU TỨ KẾT 

17h15 ngày 18/1: U23 Saudi Arabia - U23 Thái Lan

20h15 ngày 18/1: U23 Australia - U23 Syria

17h15 ngày 19/1: U23 Hàn Quốc - U23 Jordan

20h15 ngày 19/1: U23 UAE - U23 Uzbekistan

Nhưng đó là câu chuyện của vòng bảng. Còn ở vòng tứ kết, khi 3/4 cặp đấu là những cuộc chiến giữa hai nửa Đông - Tây, những U23 Hàn Quốc, U23 Australia hoàn toàn có thể gỡ lại thể diện cho Đông Á. Và cũng không loại trừ một bất ngờ xảy ra trong trận đấu giữa chủ nhà U23 Thái Lan và U23 Saudi Arabia. 

THƯ KỲ

 
;
.