Các đội bóng Anh còn bao nhiêu nét riêng?

Chủ Nhật, 26/05/2019, 16:59 [GMT+7]
In bài này
.

Người ta từng đúc kết sau một cuộc nghiên cứu tỉ mỉ và viết vào sách, như thế này: phải mất bình quân 4 năm để một CLB Anh thay HLV, gấp đôi thời gian tương tự trong làng bóng Đức và gấp rưỡi khoảng thời gian ấy ở các nước còn lại trong 5 cường quốc bóng đá hàng đầu châu Âu.

Chelsea đã thuộc về ông chủ người Nga Roman Abramovich.
Chelsea đã thuộc về ông chủ người Nga Roman Abramovich.

Ý nghĩa của khác biệt vừa nêu là một chi tiết thuộc về văn hóa bóng đá. Người Anh vốn rất kiên nhẫn với HLV trưởng. Họ luôn sẵn sàng tạo thêm cơ hội, thời gian, điều kiện, để HLV tiếp tục làm việc sau thất bại bước đầu. Nhưng khi một HLV đã bị sa thải ở Anh thì điều đó nói lên khả năng của HLV ấy, và ông ta sẽ khó tìm được việc mới. Ngược lại, khi một HLV bị sa thải ở Đức thì điều đó nói lên vận hội hơn là thực tài. Ông ta có thể sẽ may mắn hơn ở CLB kế tiếp.

Đấy là vấn đề trường phái. Cách đây khoảng 20 năm, có những trường phái riêng hết sức rõ ràng trong bóng đá đỉnh cao. Bóng đá Anh, bóng đá Đức, bóng đá Italia, đều có nét riêng không lẫn vào đâu được. Và các trường phái không chỉ phân biệt với nhau bằng đặc điểm chuyên môn. Bây giờ, nếu chưa đến mức “san bằng” thì cũng chỉ còn rất nhạt nhòa cách chơi “chạy và sút” trên sân cỏ Anh, cách “đá như máy” của người Đức hoặc quan điểm “phòng thủ bằng mọi giá” của Italia. Ngay cách chơi phổ biến, vốn là đặc điểm quan trọng nhất nói lên một trường phái bóng đá, cũng đã mất đi, thì còn đâu nữa những chi tiết “phụ”, như cách dùng người.

Dù sao đi nữa, vẫn có một khác biệt lớn ngay trong thời buổi toàn cầu hóa này: Bóng đá Anh “ít Anh” hơn hẳn so với một chút chất Đức còn lại của bóng đá Đức, hoặc chút dấu vết trong làng bóng Italia hiện thời. Bây giờ, Chelsea là một đội bóng, liên kết 13 năm chơi bóng đỉnh cao trong tư cách cầu thủ, để nói Chelsea là “nhà” của Frank Lampard thì được. Nói rằng Chelsea là một “đội bóng Anh”, thì xem ra chỉ đúng với vỏ bọc.

Chelsea thuộc về ông chủ người Nga Roman Abramovich. Chủ tịch Bruce Buck người Mỹ. Các Giám đốc Guy Laurence và Eugene Tenenbaum là người Anh và Canada. Cách đây không lâu còn có Giám đốc kỹ thuật Michael Emenalo người Nigeria. Chelsea lại có Giám đốc Marina Granovskaia - một phụ nữ Nga quốc tịch Canada. Và đấy không hề là một ngoại lệ. Nhìn sang các đội xung quanh trong hàng ngũ “Big 6”, chúng ta còn thấy - Giám đốc tuyển trạch người Đức vừa chia tay Arsenal. Các giám đốc người Tây Ban Nha ở Manchester City. Thậm chí có cả người Úc (Darren Burgess), người Nhật (Takahiro Yamamoto), người Argentina (Susan Ferreras)...

Họ không giữ cương vị giám đốc nọ, thì cũng phụ trách bộ phận kia, đều quan trọng cả. Ở một mức độ nào đó, họ gây ảnh hưởng đến bóng đá Anh, dù họ chẳng bao giờ là con người của bóng đá Anh. Tính chất “trường phái” triệt tiêu trong làng bóng Anh là lẽ tất yếu. Có khi chúng ta thậm chí còn phải nghĩ đến một điều: bóng đá Anh bây giờ còn được bao nhiêu phần... bóng đá?

Mùa bóng chỉ vừa kết thúc, các nhà tổ chức Premier League đã công bố ngay cái danh sách không thể ngắn gọn hơn, rõ ràng hơn, nhưng cũng không thể... khủng khiếp hơn: Tiền chia cho 20 đội bóng mùa này. Cũng khó phản bác nếu như ai đó cho rằng các đội bóng Anh bây giờ là những cỗ máy kiếm tiền.

HLV trưởng xuất sắc cỡ nào, thực tài ra sao, không hề là chi tiết mang tính sống còn nơi một cỗ máy kiếm tiền. Tất nhiên, chúng ta đã thấy những Liverpool, Manchester City, hấp dẫn trong cái hay thuần túy bóng đá, nhờ có Juergen Klopp hoặc Pep Guardiola - các HLV xuất sắc trong khía cạnh bóng đá. Nhưng Premier League thì không phải chỉ có Liverpool với Manchester City.

KINH THI

;
.