Cơ sở tập luyện của thể thao thành tích cao: Thiếu thốn đủ bề

Thứ Sáu, 02/11/2018, 09:26 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, thành tích thi đấu thể thao thành tích cao (TTTTC) của BR-VT ngày càng được nâng cao, có nhiều VĐV đạt đẳng cấp khu vực và châu lục. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tập luyện và thi đấu của TTTTC tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu.

Môn taekwondo thi đấu bằng giáp điện tử để tính điểm, nhưng hiện nay vẫn chưa được đầu tư.
Môn taekwondo thi đấu bằng giáp điện tử để tính điểm, nhưng hiện nay vẫn chưa được đầu tư.

Hiện nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh có 18 đội thể thao đang tập luyện thuộc tuyến đội tuyển và đội trẻ. Vậy nhưng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tập luyện, thi đấu của VĐV đang rất thiếu thốn, nhiều công trình đã cũ, xuống cấp. 

Bên ngoài Nhà thi đấu đa năng, sân tập sau nhiều năm sử dụng đã sụt lún, dù đã được dặm vá nhưng nhiều chỗ lồi lõm, gây khó khăn cho việc tập luyện của VĐV. Bên trong nhà thi đấu, các bộ môn võ tận dụng khoảng trống ở hành lang tầng 1 để tập luyện. Trung tâm không có bể bơi, phòng tập thể lực và đường chạy chuyên dụng… nên cơ sở vật chất còn không bằng các Trung tâm VH-TT-TT của một số huyện hiện nay. Trong khi đó, các môn võ luôn được xem là thế mạnh của tỉnh ở đấu trường trong và ngoài nước, nhưng còn thiếu trang thiết bị như giáp điện tử, phòng tập thể lực cho VĐV... Còn ở môn điền kinh, do chưa có đường piste tập luyện, nên VĐV phải chạy trên đường bê tông, dễ dẫn tới chấn thương. 

Ông Nguyễn Trọng Lợi, HLV bộ môn điền kinh tỉnh cho biết, do không có đường piste nên khi tập, VĐV phải chạy bằng giày ba ta, đến khi thi đấu lại phải làm quen với giày đinh chuyên dụng, không khỏi ảnh hưởng đến thành tích. “Vì vậy, trước mỗi giải đấu, chúng tôi phải gửi VĐV lên Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh hoặc qua SVĐ Bàu Thành (huyện Long Điền) tập luyện, vừa tốn kém vừa bất tiện”, ông Lợi nói. Tương tự, HLV judo Bùi Khả Tú cũng cho biết, với môn judo, sàn tập là quan trọng nhất, nhưng sàn tập của bộ môn judo được đầu tư cách đây 11 năm, đến nay đã xuống cấp, nhiều chỗ chai cứng, bong tróc, lún sập. “Trong lúc tập luyện, nhiều VĐV đã bị trầy xước, chảy máu, bong móng chân. Chúng tôi mong sớm được thay mới sàn tập”, HLV Bùi Khả Tú bày tỏ.

Bên cạnh đó, nơi ăn ở, nghỉ ngơi cho VĐV hiện cũng rất tạm bợ. Nhiều VĐV phải ăn, nghỉ ở phía dưới khán đài của Nhà thi đấu đa năng khi về tập trung tập luyện, chuẩn bị dự giải. Những sự thiếu thốn này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy tối đa tài năng của VĐV.

Theo tìm hiểu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước... đều đã có trung tâm huấn luyện, đào tạo VĐV tập trung còn BR-VT vẫn chưa có. “Khi VĐV có chỗ ăn, ở, tập luyện, học văn hóa tập trung, phụ huynh sẽ yên tâm cho con em mình đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp và tận tâm đóng góp cho thể thao tỉnh nhà”, VĐV judo Diệu Tiên chia sẻ. 

Ông Đặng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh cho biết, trong khả năng của mình, Trung tâm chỉ có thể khắc phục phần nào một số khó khăn về cơ sở vật chất và trang, thiết bị tập luyện. Do đó, để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho TTTTC phát triển, rất mong UBND tỉnh sớm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho VĐV. “Được biết, Sở Xây dựng đã có văn bản đề xuất vị trí và quy mô xây dựng dự án khu liên hợp thể thao và đang chờ UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến. Chúng tôi mong dự án sớm được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu ăn ở, tập luyện cho VĐV TTTTC”, ông Đặng Văn Cường mong mỏi.

Trong 9 tháng năm 2018, TTTTC của tỉnh đã đạt nhiều kết quả khích lệ với 200/267 huy chương các loại, đạt 74,9% kế hoạch năm 2018 và vượt 25,5% so với cùng kỳ năm 2017; trong  đó có 45 HCV, 64 HCB và 91 HCĐ.

Bài, ảnh: THÀNH HUY

;
.