Số phận của những người bệnh tâm thần ở đảo Bali

Thứ Bảy, 27/02/2021, 10:46 [GMT+7]
In bài này
.

Như bức tranh sơn dầu được vẽ bởi họa sĩ Hà Lan với ngọn núi lửa hình nón, có thể nhìn thấy qua những tán cây cọ và một dòng suối trong veo, uốn khúc, chảy giữa cánh rừng xinh tươi cùng những đứa trẻ tung tăng bơi lội. Trong một thế kỷ qua, đảo Bali (Indonesia) đã trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu hành tinh. Nhưng ở góc phía Đông hẻo lảnh của Bali lại là một thế giới khác: Thế giới của những người mắc bệnh tâm thần.

Một Pasung bị xích để khỏi tự hại mình và làm hại người khác ở Bali.
Một Pasung bị xích để khỏi tự hại mình và làm hại người khác ở Bali.

1. Theo thống kê của ngành du lịch Bali, năm 2019 đã có 16 triệu người chọn hòn đảo này làm nơi nghỉ dưỡng. Họ đến để lướt sóng, tìm hiều phong tục, văn hóa của người Hindu, tận hưởng những khách sạn, những resort sang trọng, những buổi điều trị bằng phương pháp Yoga cũng như hòa mình vào cuộc sống sôi động về đêm trên các con phố, nơi những quán bar, nhà hàng, vũ trường sáng rực ánh đèn.

Với Tiến sĩ Cokorda Bagus Jaya Lesmana, 44 tuổi, bác sĩ chuyên khoa tâm thần, Bali không hẳn là là thiên đường. Vào những ngày nhất định trong tuần, ông đến Viện Sức khỏe tâm thần Suryani đặt tại Denpasar, một cơ sở từ thiện do mẹ ông sáng lập. Đây là nơi nuôi dưỡng và điều trị cho những bệnh nhân “Pasung”-tiếng Indonesia để chỉ những người thần kinh không bình thường, bị biệt giam vì hay tự làm hại bản thân mình và người khác. Một thống kê của Bộ Y tế Indonesia cho thấy, hiện có 18.000 bệnh nhân Pasung ở quốc gia này, nhưng theo Viện Suryani, con số thật là gần 40.000 người, trong đó ít nhất 1.000 người sống ở mũi đất cực Đông đảo Bali. Họ bị phần lớn dân địa phương xa lánh và bị chính quyền áp dụng một chính sách gần như cô lập.

Con đường dẫn đến nơi sinh sống của bệnh nhân Pasung phải đi qua một ngôi đền Hindu, trang trí bằng những viên đá tượng trưng cho các vị thần thiện và ác, nơi người dân vẫn thường đến dâng lễ vật. Ở cuối khu vườn phía sau ngôi đền là một cấu trúc hình khối bằng bê tông rộng khoảng 10m2, đứng trơ trọi. Bên trong cánh cửa làm bởi những song sắt, 1 người đàn ông gầy còm, ốm yếu ngồi lom khom trên sàn, giữa cái nóng 320C. Căn phòng bốc lên mùi hôi thối nồng nặc, vật duy nhất trên sàn là 1 cái chén đựng nước và đã hơn 1 năm, ông già ấy không được cho ra khỏi phòng vì ông bị tâm thần phân liệt.

Bất chấp điều kiện sống khủng khiếp, ông già vẫn tỏ ra phấn chấn khi thấy Tiến sĩ Cokorda ghé thăm. Ông cười toe toét và bằng một thứ ngôn ngữ không mạch lạc, ông nói tên mình là Bagus-tiếng Indonesia có nghĩa là “Tốt”. Tiến sĩ Cokorda cho biết, 2 năm trước, Bagus bị gia đình cùm chân bằng 1 cái cùm gỗ như thời trung cổ, nhưng chỉ sau 6 tháng điều trị, Bagus béo và khỏe hơn, kết quả của việc tiêm thuốc chống loạn thần chỉ tốn 4USD mỗi tháng.

Thế nhưng, đến tháng 11/2020, lúc quay lại thăm Bagus, Tiến sĩ Cokorda nói tình trạng của Bagus bỗng trở nên tồi tệ vì gia đình không cho ông điều trị thêm, đồng thời giam ông lại. Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu các mục tiêu phát triển bền vững tại Đại học Padjadjaran ở Java, có lý do khiến việc thực hiện hình thức cùm chân vẫn tồn tại ở Indonesia, bao gồm sự hiểu biết kém về các rối loạn tâm thần, dẫn đến việc gia đình người bệnh bị kỳ thị. Thông thường, rất nhiều người tin rằng tâm thần phân liệt là kết quả của một sức mạnh siêu nhiên, chiếm hữu và kiểm soát đầu óc người bệnh. Vì thế việc điều trị được giao cho các pháp sư, thầy lang và thầy cúng trong làng. Khi không thành công, bệnh nhân được xem là mắc phải một lời nguyền không thể hóa giải. Một nghiên cứu năm 2017 về chăm sóc sức khỏe ở Indonesia do Tổ chức quan sát châu Á-Thái Bình Dương về hệ thống và chính sách y tế cho thấy, Indonesia chỉ có 700 bác sĩ tâm thần phục vụ dân số 270 triệu người-ít hơn 3% so với 24.000 bác sĩ lẽ ra phải có. 8 trong số 34 tỉnh của Indonesia không có bệnh viện tâm thần và 5 tỉnh không có một chuyên gia vào về lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Ngay như đảo Bali, theo Khoa Nhân chủng học,  Đại học Udayana (Bali), với 4,2 triệu dân nhưng chỉ có 1 bệnh viện tâm thần duy nhất trong lúc tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt trên đảo được xếp vào hàng cao nhất ở Indonesia.

2. Năm 2009, chính quyền Bali đã cố gắng thay đổi tình thế bằng cách cấp cho Viện Suryani một khoản ngân sách hàng năm 500.000 USD nhưng chỉ 1 năm sau, số tiền này đã bị loại bỏ khi các thành viên quốc hội phàn nàn rằng, quá nhiều tiền đã được phân bổ cho một tổ chức phi chính phủ. Hiện tại, Viện Suryani hoạt động dựa trên các khoản quyên góp và các tình nguyện viên, nhưng từ năm 2020 đến nay, do đại dịch COVID-19 và do sự vắng mặt của các du khách nước ngoài-những người vẫn thường ủng hộ vật chất cho Viện-nên hoạt động của Viện Suryani đã bị thu hẹp đáng kể, dẫn đến hệ quả là, các bệnh nhân Pasung không được thăm khám thường xuyên như trước.

Về phương diện tâm lý, những gia đình có ngươi thân mắc bệnh tâm thần thường dấu kín chuyện này bởi lẽ, nếu bị phát hiện, họ có thể bị đuổi việc, bị cộng đồng xa lánh. Vì thế, có những nơi như Bệnh viện Tâm thần Bali hiện đại và sạch sẽ, được cấp ngân sách để điều trị cho 50 Pasung mỗi năm, nhưng thời điểm đầu năm 2021, chỉ 1 trong số 20 giường là có người nằm. Tiến sĩ Gede, giám đốc bệnh viện nói: “Bất cứ ai bị bệnh tâm thần, dù giàu hay nghèo, chúng tôi sẽ nhận họ và làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp đỡ họ. Họ có thể ở đây 6 tháng miễn phí mặc dù thời gian lưu trú trung bình là khoảng 2 tuần”. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Udayana cho thấy, tỷ lệ tái phát của bệnh nhân rối loạn tâm thần ở Bali là 50-92%. Tiến sĩ Gede nói tiếp: “Chỉ 1/3 bệnh nhân Pasung được chữa khỏi. 2/3 còn lại tái phát nên gia đình thường xích họ lại, sợ họ trở nên hung dữ và tự làm tổn thương. Vài gia đình thậm chí còn cố gắng làm cho họ chết. Có bệnh nhân chúng tôi đã điều trị trong 3 năm, khi tôi yêu cầu gia đình đưa anh ta về nhà thì họ nói: “Chúng tôi sẽ giết nó, hoặc nó giết chúng tôi”.

Vẫn theo Tiến sĩ Gede, những bệnh nhân tái phát khi quay lại bệnh viện thường trong tình trạng hấp hối, mà nguyên nhân là sự ngược đãi của thân nhân họ. Ông nói: “Dưới mắt nhiều người, Bali là những khách sạn 5 sao, những bãi biển xinh đẹp, những nhà hàng sang trọng và những cửa hiệu với hàng hóa đắt tiền, nhưng vẫn còn có một Bali khác trong bóng tối, Bali của những Pasung...”.

VŨ CAO

(Theo Asia Today)

 
;
.