NƠI SẢN XUẤT THUỐC KHÁNG NỌC RẮN LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Kỳ 1: Chết vì rắn cắn nhiều hơn chết do ung thư phổi

Thứ Sáu, 27/11/2020, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 120 ngàn người chết vì bị rắn độc cắn, cao hơn số lượng chết do ung thư phổi, phần lớn xảy ra ở Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ. Cho đến nay, Viện Clodomiro Picado ở Costa Rica được xem là nơi sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn lớn nhất thế giới. Nó cung cấp cho nhân loại 3/4 lượng thuốc giải độc của 27 loài rắn nguy hiểm nhất hành tinh.

Greivin Corrales và Chacon đang chuẩn bị lấy nọc rắn Terciopelo.
Greivin Corrales và Chacon đang chuẩn bị lấy nọc rắn Terciopelo.

1. Nếu không có sự giới thiệu của Tiến sĩ Y, Sinh học Ricardo thì thoạt nhìn qua, tôi không thể nghĩ rằng Viện Clodomiro Picado (Instituto Clodomiro Picado - viết tắt là ICP) lại là nơi sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn lớn nhất thế giới bởi lẽ ngoài một bãi cỏ rộng 10ha ở vùng ngoại ô chập chùng đồi núi thuộc tỉnh Coronado (đông bắc thủ đô San Jose, Costa Rica, Trung Mỹ) cùng hàng trăm chuồng nuôi ngựa nằm liền kề nhau và một tòa nhà gồm các phòng chiết xuất nọc rắn, phòng thí nghiệm, khu điều chế huyết thanh kháng nọc rắn mà nhiệt độ luôn được duy trì ở mức 160C. Xa hơn chút nữa là phòng lưu trữ với những lọ thủy tinh, nơi tất cả các loại rắn độc trên thế giới được bảo quản bằng cồn 70 độ. Trong những cái lọ ấy, có thể thấy rắn hổ mang Trung Mỹ hoặc rắn Bocaraca, tiếng bản địa nghĩa là “ma quỷ mang cái chết đến khi bị nó cắn”. Tuy nhiên, không gì đáng sợ bằng rắn Bothrops Asper - người Costa Rica gọi là Terciopelo, sống trong một phạm vi từ Mexico đến bắc Peru. Tiến sĩ Ricardo nói: “Nó đáng sợ ở chỗ chẳng bao giờ nó bỏ chạy trước mọi đối thủ, kể cả con người. Khi cắn, nó tiêm vào vật bị cắn một lượng nọc độc nhiều gấp 10 lần rắn đuôi chuông Bắc Mỹ. Hậu quả là các mô xung quanh chỗ cắn sưng tấy và hoại tử. Tiếp theo, lúc nọc độc đã đi khắp cơ thể, nó gây xuất huyết trong, dẫn đến suy đa tạng rồi tử vong. Nạn nhân chảy máu mũi, tai, miệng, mắt, cùng các lỗ chân lông. Người Maya gọi đó là “mồ hôi máu”.

Đi vào hoạt động từ tháng 4/1970, ICP trực thuộc Khoa Vi sinh vật, Đại học Costa Rica nhưng thực tế thì nó đã bắt nguồn từ vài thập kỷ trước, do nhà khoa học nổi tiếng là Tiến sĩ Clodomiro Picado khởi xướng kể từ lúc ông còn làm việc tại Phòng thí nghiệm lâm sàng, Bệnh viện San Juan de Dios. Theo Picado, ông bắt đầu quan tâm đến những cái chết của nông dân Costa Rica do bị rắn cắn nhưng không được cứu chữa kịp thời bởi lẽ lúc ấy huyết thanh kháng độc phần lớn phải nhập từ Brazil. Những công trình nghiên cứu của Picado suốt thời gian này đã thể hiện trong một cuốn sách với tựa đề: “Những loài rắn độc ở Costa Rica - Chất độc và Liệu pháp huyết thanh kháng độc” mà ngày nay, các cơ sở bào chế huyết thanh kháng nọc rắn trên toàn thế giới vẫn xem là tài liệu kinh điển.

Cũng dựa trên những công trình nghiên cứu của Picado, năm 1963 Quốc hội Costa Rica đã phê chuẩn “Luật Phòng vệ độc chất của rắn”, được xem là đạo luật tiên phong ở Mỹ Latin. Tiếp theo, một chương trình liên kết hình thành giữa Bộ Y tế và Đại học Costa Rica với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Mỹ, gọi là “Chương trình huyết thanh chống nọc rắn”. Đóng vai trò quan trọng cho sự thành công này là Tiến sĩ Alvaro Aguilar Peralta, Bộ trưởng Bộ Y tế Costa Rica, Tiến sĩ, bác sĩ thú y Herschel Flowers, chuyên gia về chất độc và chất chống độc, Tiến sĩ Roger Bolanos Herrera, giáo sư tại Khoa Vi sinh tại Đại học Costa Rica và Tiến sĩ Jesus María Jimenez Porras thuộc khoa Y, Đại học Costa Rica.

Năm 1967, những liều huyết thanh đầu tiên ra đời. Thành công đạt được trong chương trình này đã thúc đẩy Bộ Y tế Costa Rica thành lập một cơ sở chuyên sản xuất kháng nguyên chống nọc rắn theo yêu cầu của đất nước. Điều ấy dẫn đến sự xuất hiện của ICP cùng các phòng thí nghiệm đầu tiên, khánh thành vào tháng 4/1970. Đến năm 1972, ICP không chỉ tập trung vào việc sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn mà còn làm ra nhiều thứ khác, chẳng hạn như chế phẩm vi sinh trừ kiến, mối, mọt. Nó đã giúp cho nông dân ở những quốc gia Mỹ Latin bảo tồn được khoảng 1,5 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm - chủ yếu là bắp và đậu nành thay vì phải làm thức ăn cho gia súc.

2. Ngược dòng thời gian, huyết thanh kháng nọc rắn ra đời lần đầu tiên hồi cuối thế kỷ 19 bởi bác sĩ đồng thời là nhà miễn dịch học người Pháp Albert Calmette, cộng sự của bác sĩ Louis Pasteur. Lúc ấy, tại Sài Gòn (Việt Nam), bác sĩ Calmette đã sản xuất ra vắc xin đậu mùa và vắc xin bệnh dại rồi sau đó là vắc xin ngừa lao. Được báo động về số lượng người chết do rắn hổ mang cắn, bác sĩ Calmette đã áp dụng các nguyên tắc về chủng ngừa: Ông tiêm hàng loạt những liều nọc rắn hổ mang với hàm lượng rất thấp vào thỏ để buộc cơ thể chúng nhận ra độc chất rồi dần dần phát triển các kháng thể như một phản ứng miễn dịch với chất độc trong nọc độc. Sau đó ông cho một con hổ mang cắn một con thỏ lành lặn rồi tiêm huyết thanh thỏ cho nó. Kết quả là nó sống nhưng thời điểm ấy, không có đủ số lượng thỏ phục vụ cho việc sản xuất huyết thanh đại trà nên năm 1895, bác sĩ Calmette chuyển sang loài ngựa, vốn được nuôi rất nhiều ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Huệ, Đức Hòa. Theo một ghi chép của bác sĩ Calmette còn lưu giữ ở viện Pasteur (Pháp), chỉ riêng năm 1900, đã có 279 người dân Sài Gòn và các vùng phụ cận bị rắn hổ mang cắn và đã được cứu sống nhờ huyết thanh kháng nọc…

VŨ CAO 

 
;
.