Trao quyền cho phụ nữ vì sự phát triển bền vững của thế giới

Thứ Sáu, 02/10/2020, 20:44 [GMT+7]
In bài này
.

Cộng đồng quốc tế chỉ có thể thực hiện được chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 khi trao quyền quyết định cho phụ nữ trong tất cả các vấn đề lớn của thế giới, những quyết định có tính ảnh hưởng tới đời sống của từng con người, như cam kết đưa ra 25 năm trước trong Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.

Quang cảnh phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 nhân kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ.
Quang cảnh phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 nhân kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định như vậy tại Phiên họp cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ IV về phụ nữ với chủ đề: “Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho mọi phụ nữ và trẻ em gái,” phiên họp điểm nhấn trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, diễn ra sáng 2/10.

Trong thông điệp gửi tới phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định việc nỗ lực thực hiện những nội dung quan trọng đề ra trong Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh không chỉ thể hiện khát vọng của nhân loại về sự bình đẳng và tôn trọng phẩm giá con người, mà còn góp phần từng bước đưa thế giới đến gần hơn lý tưởng về một xã hội phát triển toàn diện, công bằng, tiến bộ và không còn các rào cản về giới.

Năm 2020 được coi là năm có ý nghĩa quan trọng đối với quyền bình đẳng giới, đánh dấu 45 năm Ngày Phụ nữ quốc tế đầu tiên được Liên hợp quốc kỷ niệm nhân Năm Phụ nữ quốc tế 1975; 10 năm thành lập UN Women, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; 20 năm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh; 5 năm thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, trong đó bình đẳng giới được Liên hợp quốc coi là một trong 17 mục tiêu bền vững đến năm 2030.

Đặc biệt, năm nay, thế giới kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, được thông qua tại Hội nghị thế giới lần thứ IV về phụ nữ năm 1995 ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Kể từ khi Liên hợp quốc đưa ra những cam kết về các mục tiêu về bình đẳng giới, phát triển và hòa bình năm 1995, thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể như tỷ lệ bà mẹ tử vong giảm gần 40%, số trẻ em gái được tới trường cao nhất trong lịch sử từ trước tới nay, tỷ lệ tảo hôn tại Nam Á đã giảm hơn 40% kể từ năm 2000... Hơn 130 quốc gia thông qua các cải cách pháp lý và quy định nhằm ủng hộ bình đẳng giới, trên 100 nước phân bổ ngân sách cho mục tiêu bình đẳng giới...

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh các nước thành viên cần thêm những cam kết chắc chắn và táo bạo, đột phá để thực hiện bình đẳng giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định “Thế kỷ 21 phải là thế kỷ của sự bình đẳng đối với phụ nữ.”

Tuyên bố đó phần nào thể hiện quyết tâm của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trong việc thúc đẩy các nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các nước cần phối hợp với Liên hợp quốc, trước hết trong việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, để có những cam kết và hành động tích cực, thực chất hơn, bởi trao quyền cho phụ nữ chính là xây dựng một thế giới phát triển bền vững.

ĐẶNG ÁNH (TTXVN)

;
.