IMF giãn nợ cho các nước thành viên kém phát triển

Chủ Nhật, 29/03/2020, 21:05 [GMT+7]
In bài này
.

* ECB kêu gọi các ngân hàng thành viên không chia cổ tức

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, ban lãnh đạo của tổ chức này đã thông qua những sửa đổi nhằm cho phép IMF giãn nợ cho các nước thành viên kém phát triển và dễ bị tổn thương do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva.

IMF cho biết đã mở rộng tiêu chí đánh giá “Ngăn chặn thảm họa và ủy thác cứu trợ” (CCRT) sao cho phù hợp với những tình huống do đại dịch COVID-19 đặt ra.

Theo những sửa đổi này, tất cả các nước thành viên có thu nhập trung bình dưới ngưỡng quy định của Ngân hàng Thế giới (WB) được nhận hỗ trợ ưu đãi, sẽ được giãn nợ trong khoảng thời gian lên tới 2 năm.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva khẳng định: “Rõ ràng chúng ta đã rơi vào suy thoái”, đồng thời dự báo đợt suy thoái này sẽ tồi tệ hơn năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo bà, khi toàn thế giới phải “ngừng khẩn cấp” nhiều hoạt động kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 sẽ suy giảm.

Nhưng khác với sự phục hồi chậm chạp sau năm 2009, bà Georgieva dự báo lần này sẽ là “sự phục hồi mạnh mẽ” vào năm 2021, nhưng “chỉ khi chúng ta kiềm chế thành công dịch bệnh và giải quyết được các vấn đề về thanh khoản”.

Tổng Giám đốc IMF kêu gọi các nước phải ứng phó bằng việc chi “thật mạnh tay” để tránh xảy ra hàng loạt vụ phá sản và vỡ nợ ở các thị trường mới nổi. Theo bà, ước tính các thị trường mới nổi cần ít nhất 2.500 tỷ USD để vượt qua cuộc khủng hoảng này và nguồn lực nội tại của họ cũng như năng lực vay của thị trường sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhà lãnh đạo IMF nhận định tình hình vẫn chưa đến mức tồi tệ nhất đối với nhiều nước mới nổi, vốn chưa bị dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề. Tuy nhiên, các nước này đang phải chứng kiến tình trạng thoái vốn, giảm nhu cầu xuất khẩu, và một sự sụt giảm mạnh trong giá hàng hóa.

Theo bà, đến nay 81 nước, trong đó 50 nước có thu nhập thấp và 30 nước có thu nhập trung bình, đã đề nghị IMF hỗ trợ khẩn cấp.

Tổng Giám đốc IMF hoan nghênh gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn và Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành, cho rằng cần lập tức ngăn một sự suy giảm đột ngột các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế lớn nhất thế giới. Gói cứu trợ của Mỹ cũng quan trọng vì đã tăng khoản đóng góp của Washington vào năng lực cho vay của IMF.

Tháng 1 vừa qua, các nước thành viên IMF đã phê chuẩn một kế hoạch tăng gấp đôi phần đóng góp vào một trong các giỏ quỹ - Các thỏa thuận cho vay mới (NAB) - lên 500 tỷ USD. Gói hỗ trợ của Mỹ bao gồm 38,5 tỷ USD đóng góp cho NAB.

Trong một tuyên bố sau khi Hạ viện Mỹ phê chuẩn gói cứu trợ khổng lồ, bà Georgieva nêu rõ: “Quyết định của Mỹ đẩy nhanh việc thông qua các đóng góp mới đáng kể cho IMF là một thông điệp mạnh gửi đến cộng đồng quốc tế và giúp củng cố năng lực cho vay 1.000 tỷ USD của IMF”.

Bà Georgieva cũng hoan nghênh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua gói hỗ trợ 5.000 tỷ USD, nhận định số tiền này tương đương với những gì đã được chi ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

 Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa kêu gọi các ngân hàng Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đóng băng việc thanh toán cổ tức “ít nhất cho đến tháng 10/2020” để bảo toàn tính thanh khoản có thể được dùng để giúp các hộ gia đình và DN vượt qua đại dịch. ECB cũng đề nghị các ngân hàng không mua lại cổ phiếu, một công cụ khác để thưởng cho các cổ đông. Đề xuất của ECB sẽ ảnh hưởng tới lợi tức trong các năm tài chính 2019 và 2020.

Tuyên bố bất ngờ của ECB nêu rõ: “ECB hy vọng các cổ đông của ngân hàng tham gia nỗ lực tập thể này”. Tuyên bố cũng cho biết các biện pháp trên sẽ tăng khả năng của các ngân hàng trong việc hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình, DN nhỏ và tập đoàn trong thời gian đại dịch.

Chủ tịch Ban giám sát ECB Andrea Enria nhận định: “Khác với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng không phải là nguồn cơn gây ra vấn đề, nhưng chúng ta cần bảo đảm rằng họ có thể là một phần của giải pháp”.

Ông ước tính nếu các ngân hàng tham gia nỗ lực này với ECB, sẽ có thêm 30 tỷ euro trong hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, ECB cũng khởi động một chu kỳ cho vay lãi suất siêu thấp mới dành cho các ngân hàng thành viên và nới lỏng các quy định về vốn đệm để khuyến khích các ngân hàng cho hộ gia đình và DN vay.

ECB cũng tìm cách bình ổn các thị trường bằng việc hứa hẹn rằng sẽ “không có giới hạn nào” trong các cam kết bảo vệ đồng euro.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

;
.