.

Na Uy tái chế rác thải nhựa tới 97%: Hình mẫu để các nước khác học hỏi

Cập nhật: 15:18, 18/03/2019 (GMT+7)

Hành tinh xanh của chúng ta đang bước vào giai đoạn khủng hoảng rác thải nhựa, và nếu không có những giải pháp cụ thể, rốt ráo ngay từ bây giờ thì trong những năm tới nhân loại sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng rác nhựa trầm trọng.

Người tiêu dùng nhận được tiền khi trả lại chai nhựa tại những chiếc máy tự động đặt quanh thành phố.
Người tiêu dùng nhận được tiền khi trả lại chai nhựa tại những chiếc máy tự động đặt quanh thành phố.

Chúng ta cần phải dành sự tôn trọng cực lớn cho người Na Uy. Bởi lẽ, quốc gia này gần như đã vượt trên cả thể giới về khả năng tái chế rác thải nhựa, thông qua tổ chức mang tên Infinitum. Với Infinitum, Na Uy đa tạo ra một hệ thống cực kỳ thân thiện và hiệu quả để tái chế các chai nhựa. Theo đó, hệ thống này đã giúp Na Uy đạt tỷ lệ tái chế chai nhựa lên tới 97%. Trong số còn lại, chỉ có 1% lọt ra môi trường. Cần lưu ý, 92% chai nhựa sản xuất tại Na Uy được làm từ vật liệu chất lượng cao, nên có thể tiếp tục được dùng để sản xuất chai uống nước. Vì vậy, cùng một khối lượng nguyên liệu, người Na Uy có thể tái sử dụng đến hơn 50 lần.

Đây là một con số cực kỳ ấn tượng nếu như bạn biết rằng 91% rác nhựa trên thế giới không được tái chế, và có đến 8 triệu tấn rác nhựa lọt ra ngoài đại dương mỗi năm. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ khoảng 30%. Tại Anh, con số vào khoảng 20% - 45%. Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có một số nước xử lý rác thải hiệu quả, phải kể đến là đất nước Thụy Điển – quốc gia ở Bắc Âu này đã xử lý rác hiệu quả đến mức cần phải nhập khẩu rác để sử dụng, với tỷ lệ tái chế lên đến 99%. Ngoài ra, Đức, Áo, Bỉ... cũng là những đất nước có tỷ lệ tái chế rác cực cao.

BÍ MẬT ĐƠN GIẢN CỦA NGƯỜI NA UY

Tại sao người Na Uy làm được điều mà cả thế giới phải đau đầu nghĩ cách? Thực ra, quốc gia này đơn giản chỉ mang lại cho việc tái chế một thứ giá trị mà nó chưa từng nhận được.

Có một thực tế rất “đắng”, đó là hiện tại việc sản xuất ra vật dụng nhựa mới thường rẻ hơn phải đi tái chế chúng. Khi không có lợi ích gì về kinh tế, quả thực rất khó để doanh nghiệp và người tiêu dùng để tâm vào vấn đề bảo vệ môi trường. Vậy nên, câu trả lời đơn giản chỉ là tiền! Mô hình tái chế của Na Uy là một dạng chương trình “cho mượn”, trong đó mỗi khi mua một chai nước, người tiêu dùng sẽ phải trả một khoản phí tương đương 13 - 30 cent Mỹ (khoảng 3.000 – 7.000 đồng). Khoản phí này sẽ được hoàn trả theo nhiều cách. Người tiêu dùng nhận được tiền khi trả lại chai nhựa tại những chiếc máy tự động đặt quanh thành phố. Chỉ cần scan mã vạch trên chai, tiền sẽ chuyển vào tài khoản. Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi cũng có chương trình tặng tiền hoặc điểm thưởng khi khách hàng trả lại chai nhựa đã dùng. Bản thân các cửa hàng cũng nhận được một khoản phí nhỏ trên mỗi chai nhựa được tái chế. Bởi vậy, mô hình này lan rộng rất nhanh. “Nói một cách dễ hiểu thì khách hàng cần nhận ra họ mua nước, nhưng chỉ đang mượn cái chai thôi”, - Kjell Olav Maldum, CEO của Infinitum chia sẻ.

ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHỈ LÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Nếu chỉ hướng đến người tiêu dùng, tỷ lệ tái chế 97% kia sẽ không bao giờ thành hiện thực. Song song với nó, chính phủ còn đánh thuế môi trường lên các doanh nghiệp sản xuất nhựa. Tuy nhiên, mức thuế này cũng được xây dựng trên cơ chế “điểm thưởng”, tùy theo tỷ lệ tái chế nhựa của cả quốc gia. Nếu như tỷ lệ tái chế toàn quốc đạt trên 95%, các doanh nghiệp sẽ được miễn thuế. Và nghe thì có vẻ bất khả thi, nhưng sự thực là suốt 7 năm qua họ đã liên tục đạt được cột mốc này mà chẳng có gì khó khăn. 

Với mô hình cực kỳ hiệu quả này, Infinitum đã nhận được lời mời từ đại diện của nhiều quốc gia - bao gồm Scotland, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc... và các đất nước phát triển khác. Riêng trong châu Âu, chỉ có Đức và Lithuana là những quốc gia có thể “đọ” được tỷ lệ tái chế rác nhựa với Na Uy, và họ cũng sử dụng một hệ thống tương tự.

Nói đi cũng phải nói lại, hệ thống của Na Uy cũng chưa hẳn là hoàn hảo. Theo báo cáo của Infinitum, có khoảng 150.000 chai nhựa không được trả lại mỗi năm. Trong khi nếu được tái chế, chúng ta có thể tiết kiệm được năng lượng từ việc sản xuất nhựa mới, với con số đủ để cho 5.600 hộ gia đình sinh sống trong 1 năm.

XUÂN NGUYỄN (TH)

.
.
.