Bóng bay tử thần - Vũ khí của Nhật trong Thế chiến II

Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:31 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng 4-1945, người Nhật đã nhìn thấy sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II khi quân đội họ bị Đồng Minh đánh bật khỏi Myanmar, Philippines, Singapore, Mãn Châu - Trung Quốc và các hòn đảo trên Thái Bình Dương. Trong cơn tuyệt vọng, bên cạnh việc tung ra những chiếc máy bay đánh bom tự sát Kamikaze vào tàu chiến Mỹ, họ còn tấn công nước Mỹ bằng những quả bóng bay mang theo chất nổ trong một chiến dịch được gọi là “Fu-Go”…

QUẢ BÓNG TỬ THẦN

Các túi bom treo ở một quả bóng hiện đang trưng bày tại Bảo tàng chiến tranh Mỹ.
Các túi bom treo ở một quả bóng hiện đang trưng bày tại Bảo tàng chiến tranh Mỹ.

Đối với ông Archie Mitchell, mùa Xuân năm 1945 là một mùa có nhiều thay đổi. Không chỉ cùng với vợ ông là bà Elsie mong đợi đứa con đầu lòng, ông còn tìm được một công việc mới ở thị trấn Bly, bang Oregon. Bởi vậy, sáng 5-5-1945, ông và vợ mời 5 đứa trẻ, tất cả đều ở độ tuổi từ 11 đến 14 - là những học sinh học thêm với ông vào các ngày chủ nhật - tham gia một chuyến dã ngoại trong cánh rừng gần núi Gearhart. Đây là nơi phong cảnh tuyệt đẹp với những dòng suối quanh co uốn lượn, những cánh đồng mọc đầy cây hoa chuông, cây phúc bồn tử, lôi cuốn những người yêu thích cắm trại vào những ngày cuối tuần. 

Sau khi đi hết con đường trải đá dăm, Mitchell dừng xe. Cùng với vợ và 5 đứa trẻ, tất cả xúm vào chuyển mấy cái giỏ đựng thức ăn xuống. Tiếp theo, ông đưa cho lũ trẻ 5 cái cần câu rồi cả nhóm đi bộ xuống một con dốc, nơi có một lạch nước chảy ngang. Ông Mitchell nói: “Chúng tôi dự định sẽ câu cá ở đó đến trưa rồi quay lại chỗ đỗ xe. Ăn xong, nghỉ ngơi một lát, tôi cho bọn trẻ đi tắm, hái phúc bồn tử và quay về thị trấn vào buổi chiều”.

Xuống gần hết con dốc thì 1 trong 5 đứa trẻ đi đầu là Joan Patzke, 13 tuổi nhìn thấy một tấm vải trắng rất lớn, có hình dạng nhưng một quả bong bóng bị xì hơi, nằm vướng vào mấy bụi cây. Tò mò, cô bé gọi 4 người bạn: “Lại đây xem cái gì này”. Ông Mitchell kể: “Tôi đi cuối cùng, cách lũ trẻ khoảng 50m. Tôi thấy vợ tôi cùng bọn nhóc rẽ sang bên trái thay vì đi thẳng. Một lát vợ tôi kêu: “Anh à, có một quả bóng lớn lắm. Hình như là bong bóng chở hàng hóa gì đó bị rơi”.

Vẫn theo Mitchell, trong khi ông chưa kịp phản ứng thì ông thấy mấy đứa trẻ xúm quanh cái mà vợ ông gọi là “hàng hóa”. Nó gồm nhiều túi nhỏ buộc lại với nhau. Khi một đứa trẻ cúi xuống nhấc nó lên thì nó phát nổ. Mitchell nói: “Vụ nổ làm rung chuyển cả khu rừng. Vợ tôi và cái thai 5 tháng trong bụng cùng 5 đứa trẻ chết ngay tại chỗ”. Hai nhân viên kiểm lâm có mặt sau đó khoảng 15 phút kể lại: “Khi chúng tôi đến, ông Mitchell vẫn đang dùng tay, cố gắng dập tắt ngọn lửa trên người vợ ông dù rằng bà ấy đã chết rồi”.

Xế trưa, các chuyên viên vũ khí và chất nổ của quân đội Mỹ tiếp cận hiện trường. Chỉ mới nhìn thoáng qua, họ đã biết nguyên nhân của vụ nổ nhưng họ không nói vì thời điểm ấy, Chính phủ Mỹ không muốn người dân hoang mang. Họ chỉ giải thích cho ông Mitchell rằng “nguyên nhân vụ nổ sẽ được điều tra, xem xét cẩn thận. Kết luận sẽ được thông báo đến ông Mitchell và gia đình của 5 đứa trẻ trong thời gian ngắn nhất”.

CHIẾN DỊCH FU-GO

Một quả bóng bom trên bầu trời bang Michigan (ảnh của Không quân Mỹ).
Một quả bóng bom trên bầu trời bang Michigan (ảnh của Không quân Mỹ).

Ngược dòng thời gian, tháng 11-1942, những phi đoàn máy bay ném bom B-17, B-24 của Mỹ xuất phát từ Hawaii và một số tàu sân bay, lần đầu tiên tiến hành những trận không kích nhắm vào thủ đô Tokyo của nước Nhật cùng nhiều thành phố công nghiệp quan trọng khác trong một chiến dịch được đặt tên là Doolittle. Dù rất muốn phản công nhưng máy bay Nhật lại không đủ nhiên liệu để bay đến nước Mỹ. Vì vậy, sau nhiều ngày nghiên cứu, các nhà khí tượng học Nhật Bản phát hiện một luồng không khí ở độ cao 6.000m, chạy suốt Thái Bình Dương, đi qua các bang Oregon, Washington, Texas, và xa hơn, đến bang Michigan của nước Mỹ. Họ gọi đó là “dòng phản lực”.

Việc phát hiện “dòng phản lực” đã khiến tư lệnh Không quân Đế quốc Nhật là tướng Minoru Genda nảy ra một ý nghĩ: Đó là dùng những quả khí cầu bơm hydro, phía dưới treo những gói thuốc nổ đựng trong những túi bằng da, đưa nó lên “dòng phản lực” để mượn sức gió đẩy nó đến nước Mỹ rồi rơi xuống. Những gói thuốc ấy khi phát nổ sẽ cho dân Mỹ biết nước Mỹ không phải là bất khả xâm phạm.

Những tháng sau, các kỹ sư ở Phòng Khí động học Không quân Nhật Bản lao vào nghiên cứu. Cuối năm 1943, họ kết luận rằng phải mất từ 3 đến 4 ngày, “dòng phản lực” mới đưa những quả khí cầu đến được nước Mỹ. Vì vậy, họ thiết kế một bộ phận để sau 3,5 ngày trên không trung, nó sẽ kích hoạt làm xì hơi khí cầu. 

Suốt năm 1944, các nhà máy chế tạo máy bay của Không quân Nhật đã sản xuất ra hơn 9.000 quả khí cầu. Tất cả đều bằng giấy có nguồn gốc từ thân cây dâu tằm rồi được tráng thêm một lớp véc-ni chống thấm nước, bên ngoài bọc vải trắng ngụy trang. Nó vừa nhẹ, vừa dai, lại có thể mang được 40kg thuốc nổ. Từ tháng 11-1944 đến tháng 4-1945, quân đội Nhật đã thả 9.000 quả khí cầu này trong một chiến dịch mang tên “Fu-Go”. Thế nhưng, phần lớn các quả bom khí cầu đều rơi xuống Thái Bình Dương do gặp phải những luồng không khí nhiễu động. Chỉ có hơn 300 quả rơi xuống phía Tây nước Mỹ và Canada - kéo dài từ Holy Cross, bang Alaska, đến Nogales, bang Arizona và thậm chí xa hơn về phía đông như Grand Rapids, bang Michigan. Ngoại trừ quả khí cầu đã giết chết vợ ông Mitchell và 5 đứa trẻ, một quả khác rơi trúng một đường dây điện cao thế, gây ra tình trạng mất điện tạm thời tại thành phố Hanford, bang Washington. Còn những quả khác đều rơi xuống những khu vực hoang vu, không người sinh sống.

Thoạt đầu, nhằm ngăn chặn sự hoảng sợ trong cộng đồng, quân đội Mỹ giấu kín thông tin về những quả “bóng bay chứa đầy chất nổ”, còn vụ gia đình Mitchell thì được giải thích là “một vụ nổ không rõ nguồn gốc. Đến cuối tháng 5-1945, trước nguồn tin tình báo cho rằng người Nhật đang dự định thả thêm 20.000 khí cầu nữa thì quân đội mới chính thức cảnh báo người dân Mỹ “tuyệt đối không đụng vào tất cả những quả bóng màu trắng, đồng thời báo ngay cho cảnh sát địa phương nếu nhìn thấy nó”.

Nhìn chung, chiến dịch Fu-Go là một thất bại về mặt quân sự của người Nhật trong việc tấn công trực diện vào nước Mỹ. Rất ít quả bóng bay đến được mục tiêu vì các kỹ sư khí động học Không quân Nhật Bản do thiếu thiết bị nghiên cứu, họ đã không tính được rằng “dòng phản lực” chỉ mạnh vào mùa Đông, khi những luồng khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống, đẩy luồng khí nóng lên cao. Vụ duy nhất gây thương vong trong chiến dịch Fu-Go mà người Nhật tạo nên là cái chết của 5 đứa trẻ và 1 bà mẹ đang mang thai nhưng 70 năm sau, theo đánh giá của quân đội Mỹ, hàng trăm quả bóng bom vẫn nằm rải rác ở đâu đó trong những cánh rừng hoang vu, những sườn núi hẻo lánh. Chẳng hạn, tháng 10-2017, hai thanh niên đi bộ ngang qua rừng Lumby, British Columbia, đã nhìn thấy một trong những quả bóng chết người này.

VŨ CAO
(Theo War History - Fu-Go Operation)

;
.